Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khám phá vẻ đẹp Hòa Bắc

PV - 15:02, 28/06/2023

Du lịch Đà Nẵng vốn nổi tiếng với những bãi biển đẹp, sôi động cùng các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Không chỉ có vậy, nếu dành một giờ di chuyển về phía Tây Bắc thành phố, khách du lịch còn được "đổi gió" trong khung cảnh núi rừng, làng mạc sơn thủy hữu tình ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Khách du lịch cắm trại bên bờ sông Cu Đê ở xã Hòa Bắc.
Khách du lịch cắm trại bên bờ sông Cu Đê ở xã Hòa Bắc

Dựa trên lợi thế địa hình, khí hậu, tài nguyên và văn hóa, 3 năm qua, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dần hình thành và phát triển thu hút khách trong nước và quốc tế.

Nằm ở thượng nguồn sông Cu Đê, cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 30 km, Hòa Bắc là vùng đất thuần nông, chuyên sản xuất lúa, ngô, mía... Miền đất này cũng được xem như vùng đệm giữa Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa.

Chính vì vậy, bản thân cung đường đến với Hòa Bắc đã rất kỳ thú với rừng cây xanh mướt hai bên, những bãi bồi trù phú dọc bờ sông, những khu dân cư nép mình bình yên dưới chân núi...

Bên cạnh ô-tô, xe máy, không khó để bắt gặp từng đoàn xe đạp nối đuôi nhau hướng về Hòa Bắc, trong đó có khá đông người nước ngoài.

Còn nếu đi bằng đường thủy, du khách có thể xuất phát từ cầu Nam Ô và trải nghiệm hành trình ngược sông, hóng gió lộng, ngắm nhìn người dân đánh cá, nuôi tôm. Vào mùa lúa chín (tháng 4 hằng năm), những thảm lúa vàng rực rỡ ở Hòa Bắc tạo nên cảnh đẹp như tranh vẽ.

Là điểm nhấn tạo nên sức sống cho vẻ đẹp Hòa Bắc, dòng sông Cu Đê dài khoảng 38 km, uốn lượn như dải lụa rồi đổ ra cửa biển Nam Ô. Bên những đoạn sông êm ả và bằng phẳng nhất trong thung lũng, du khách ưa chuộng hoạt động cắm trại, dã ngoại có thể tự chuẩn bị lều hoặc sử dụng dịch vụ của một số cơ sở du lịch.

Đáng chú ý, các quán cà-phê, nhà hàng, khu cắm trại... ven sông đều chưa có hiện tượng "bê tông hóa" mà hầu hết được thiết kế đơn giản, thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu thô sơ như tre, nứa, gỗ...

Theo chị Huyền Trâm, chủ một Homestay có tiếng, du lịch trải nghiệm thiên nhiên ở Hòa Bắc đã manh nha từ lâu nhưng chỉ trong cộng đồng sinh viên, "phượt thủ" ở TP. Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận. Từ sau dịch Covid-19, nơi đây mới được biết đến nhiều hơn, thu hút không chỉ người Đà Nẵng mà cả du khách ở các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… và cả khách nước ngoài.

Vào mỗi dịp cuối tuần, trên bãi cỏ xanh mượt, cảnh tượng đã trở nên quen thuộc là các gia đình, nhóm bạn cùng nhau trò chuyện, chụp ảnh, thưởng thức đồ nướng, tận hưởng không khí trong lành và thư giãn.

Những ai yêu thích vận động có thể tham gia chèo SUP, chèo thuyền kayak trên sông. Còn nếu muốn khám phá nhiều hơn, nhiều người chọn đi xe đạp quanh những cánh đồng lúa, ngô, mía tốt tươi; hoặc Trekking lên Suối Mơ, Khe Răm (thôn An Định) gần đó để ngắm rừng, tắm suối...

Tín đồ "Check-in" đến với Hòa Bắc còn có nhiều điểm đến thú vị như nhà thờ Giáo xứ Hội Yên (thôn Nam Yên) với kiến trúc đặc trưng nổi bật, quán cà phê giữa đồng lúa Tiệm Nhà Đô, cầu treo dây văng Phò Nam (nối liền hai thôn Nam Yên và Phò Nam)…

Bên cạnh các điểm vui chơi, dã ngoại ngoài trời, các sản phẩm nông nghiệp địa phương cũng chiếm được cảm tình của không ít người dân, du khách khi thưởng thức tại chỗ hoặc mang về làm quà.

Homestay của chị Huyền Trâm thường xuyên trưng bày, giới thiệu các đặc sản Hòa Bắc như gạo, gà đồi, lươn đồng, cá sông, rau rừng, mía, dưa hấu, khoai, ngô, lạc...

Nhiều nông sản gắn kết với du lịch thông qua các Homestay, vườn mẫu, các quán ăn đã tạo thêm thu nhập cho người dân. Để thu hút du khách, một số hộ gia đình chủ động trồng thêm hoa, tạo tiểu cảnh cho khách Check-in miễn phí khi dừng chân tham quan, mua hàng.

Điều thú vị mà ít người biết, Hòa Bắc còn là một địa phương đặc thù của Đà Nẵng với cộng đồng dân tộc Cơ Tu sinh sống lâu đời, tập trung ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí. Người Cơ Tu ở Hòa Bắc còn giữ được rất nhiều nếp sinh hoạt văn hóa đặc sắc như ẩm thực, văn nghệ dân gian, nghề thủ công.

Du khách đến đây có cơ hội tìm hiểu, chiêm ngưỡng nhà Gươl truyền thống, nơi các già làng, nghệ nhân truyền dạy hát lý, đánh cồng chiêng, kể chuyện sử thi, múa tung tung da dá...

Ngủ đêm ở làng Cơ Tu sẽ mang lại đầy ắp trải nghiệm đáng nhớ với các món ngon như cơm lam, bánh sừng trâu, cá niêng nướng, cùng sự mến khách, thân thiện của chủ nhà.

Phụ nữ Cơ Tu khéo tay dệt vải thổ cẩm, đính cườm, tỉ mẩn tạo thành những tấm khăn, túi xách, mũ, trang phục đậm chất núi rừng. Đàn ông Cơ Tu cũng có tiếng giỏi đan lát, tạc tượng gỗ độc đáo, bền đẹp.

Từ Tà Lang, Giàn Bí, du khách được các hướng dẫn viên bản địa thông thạo địa hình dẫn đi chèo thuyền, chống bè, ngược nhánh bắc của sông Cu Đê qua các địa danh hố Giếng, lỗ cối Thượng, lỗ cối Hạ, thác Xếp, thác Rễ, Nà Mùn, Khe Giao; hoặc có thể ngược Khe Đương lên với những thác, hồ hùng vĩ giữa rừng nguyên sinh.

Qua Tà Lang, vượt đèo Mũi Trâu, từ đây có thể thấy rõ đỉnh Bạch Mã sừng sững và cả Núi Chúa quanh năm sương giăng mây phủ...

Hiện nay, để khám phá cảnh đẹp Hòa Bắc, cùng với lượng khách du lịch tự túc thì một số tour tuyến ngắn ngày (1 - 2 ngày) đã được các đơn vị du lịch, lữ hành cung cấp, như cắm trại và ngắm hoàng hôn trên sông Cu Đê, đạp xe trải nghiệm Hòa Bắc, về nguồn văn hóa Cơ Tu, trekking rừng nguyên sinh và tắm suối...

Ngành Du lịch Đà Nẵng và chính quyền địa phương cũng có nhiều sáng kiến, kịp thời hỗ trợ việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và giữ gìn bản sắc văn hóa.

Từ một xã miền núi xa xôi, những hình ảnh đẹp về Hòa Bắc đang ngày càng lan tỏa, góp phần tạo sinh kế cho người dân, đồng thời làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.