Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khai mạc Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

PV - 10:52, 13/09/2021

Sáng 13/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV khai mạc phiên họp thứ 3. Theo dự kiến, chương trình phiên họp diễn ra từ ngày 13-22/9.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 3 (Ảnh: QH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 3 (Ảnh: QH)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến các nội dung quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai và xem xét một số vấn đề thuộc thầm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm 5 nhóm vấn đề chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu vào 6/7 dự án luật trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

“Để bảo đảm hoàn chỉnh chất lượng các dự án luật, khắc phục tình trạng “luật ống, luật khung”, tuổi thọ của luật ngắn, sửa đổi bổ sung chưa bao quát hết các vấn đề dẫn đến tình trạng vừa sửa đổi xong luật đã phát sinh vấn đề mới, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sâu hơn nữa vào mỗi dự án, tập trung phân tích đánh giá tác động đầy đủ, xem xét các chính sách mới đã bảo đảm hợp lý, chặt chẽ, tương thích với luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hay chưa”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các nội dung: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước; các báo cáo công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021; Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; Xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8-2021).

“Qua việc xem xét các báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xác định phương hướng, nhiệm vụ của các cơ quan đã phù hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chủ trương định hướng lớn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 4 kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát của các chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 1-7-2016 đến 1-7-2021”; “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh); xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về việc ký điều ước quốc tế có nội dung Việt Nam cung cấp văn phòng làm trụ sở làm việc cho Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận kỹ hơn về 3 phương án tổ chức kỳ họp cũng như chương trình nội dung cụ thể, bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế.

“Phiên họp có tổng khối lượng công việc lớn với hơn 9 ngày làm việc, tập trung nhiều nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần làm việc hết sức tập trung, cố gắng cao nhất hoàn thành chương trình theo thời gian dự kiến, bảo đảm các nội dung trình Quốc hội đạt chất lượng cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.