Hội chợ thu hút 150 gian hàng của 70 đơn vị tham gia với nhiều chủng loại nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của các địa phương cung ứng, kết nối cho các chợ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.
Ban tổ chức đã thông tin, mời các doanh nghiệp, siêu thị, các chuỗi, sàn giao dịch thực phẩm; các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tới tham quan các gian hàng trong suốt thời gian diễn ra hội chợ để nâng cao hiệu quả kết nối tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm nguồn cung hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại hệ thống chợ trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của UBND 26 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội có 22.286 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ, trong đó: 17.804 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1.483 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương, 2.999 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế,… UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm an toàn thực phẩm,..
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn trong đó có các chợ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng triển khai xây dựng tại một số chợ trạm xét nghiệm nhanh chất lượng sản phẩm; Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ hoàn thiện các điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện.
Đồng thời, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố.