Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) về "Thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới" cùng một số kết quả khảo sát du khách Việt Nam năm 2022 (trong thời gian từ tháng 7 – 9/2022) có nhiều kết quả đáng quan tâm. Theo đó phần lớn người tham gia khảo sát chọn đi hình thức đi du lịch độc lập, tự tổ chức (79,12%) và 32,93% lựa chọn phương thức mua tour du lịch trọn gói.
Có 21% người được khảo sát muốn chọn mua các combo du lịch (chỉ gồm lưu trú và vé phương tiện), có thể qua công ty lữ hành hoặc qua các nền tảng trực tuyến. "Nhiều du khách Việt quan tâm đến các combo và có xu hướng tự liên hệ với đơn vị, cá nhân cung cấp combo. Điều này có thể là ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp lữ hành", đại diện Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận xét.
Đáng chú ý, về việc sử dụng các phương tiện trong quá trình đi du lịch, tỷ lệ lựa chọn ô tô riêng là 56,2%, còn máy bay là 57,43%. Xu hướng này cho thấy việc du khách Việt Nam ngày càng chủ động đi theo nhóm nhỏ, với các điểm đến xa hơn và thời gian dài hơn.
Khách nội địa cũng đang chủ động tìm kiếm thông tin du lịch từ nhiều nguồn khác nhau, thay vì chỉ qua sự tư vấn trực tiếp của công ty lữ hành. Kết quả khảo sát của ITDR cho thấy, quảng cáo truyền miệng và kinh nghiệm cá nhân đang đóng vai trò lớn trong quyết định du lịch của khách nội địa. Cụ thể, 79,3% người được hỏi cho biết đã thông qua tham vấn bạn bè, người thân; 58,3% đã qua mạng xã hội; 40,9% qua các báo điện tử và website; 25,2% qua công cụ tìm kiếm trực tuyến... Theo khảo sát này, chỉ 1% tìm kiếm thông tin qua các công ty du lịch.
"Những sự thay đổi về hành vi tiêu dùng du lịch của người dân do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và là một vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch phải cân nhắc nhiều trong thời gian tới… Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ trong việc tìm kiếm thông tin và ảnh hưởng tới quyết định du lịch là khá lớn. Vì vậy thời gian tới các công ty du lịch và các đơn vị quản lý điểm đến cần đầu tư và quan tâm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực chuyển đổi số" – nghiên cứu của ITDR cho biết.
Để ứng phó với thách thức này, ITDR cho rằng các doanh nghiệp du lịch phải tận dụng tốt hơn những nền tảng trực tuyến, vốn là nơi có mức độ lan truyền thông tin rất nhanh, thay vì sử dụng các kênh truyền thống qua đối tác hay các đại lý. Thay vì các chương trình du lịch truyền thống mà khách du lịch có thể tự tổ chức dễ dàng, các doanh nghiệp lữ hành nên có đổi mới, sáng tạo trong cách tiếp cận điểm đến, di chuyển và sử dụng dịch vụ; Có các nhóm sản phẩm với nhiều điểm nhấn về trải nghiệm, phù hợp cho từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.
Bên cạnh các tour du lịch có tính đại chúng, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp; chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch thể thao cũng được nhiều du khách quan tâm.