Tuy nhiên, để “phủ sóng” điện lưới đến khắp các buôn làng vùng DTTS và miền núi thì vẫn cần thêm nỗ lực cũng như nguồn lực để thực hiện.
Bản làng có điện...
Đang tất bật sắm sửa đón Tết thì nhận được điện thoại của ông anh họ ở quê gọi. Tiếng ông oang oang: “Tết này xóm mình có điện rồi nhé. Chú về mà xem”.
Cuộc điện thoại ngắn ngủi nhưng khiến tôi rưng rưng. Vậy là sau hàng chục năm, cái xóm Bãi Kè heo hút nơi cuối rừng Quỳ Hợp (Nghệ An) đã có điện lưới quốc gia. Mà như ông anh nói thì ở xã Đồng Hợp, cùng với xóm Bãi Kè còn có xóm Hợp Thành cũng được kéo điện.
Ngẫm lại quãng thời gian hàng chục năm không có điện, 139 hộ dân với 515 nhân khẩu ở xóm Kè và xóm Hợp Thành đều lấy ánh sao đêm thay đèn. Cả hai xóm đều thuộc diện ĐBKK, đang được thụ hưởng Chương trình 135; người dân trong xóm nghèo nên tiền mua dầu thắp sáng chỉ đủ để dành cho con cái học bài. Cũng vì không có điện mà hàng trăm con người ở Bãi Kè, Hợp Thành phải vật lộn với cuộc mưu sinh đầy vất vả.
Như ông anh tôi, nay cũng đã bước vào tuổi 60, đã ở cái xóm Bãi Kè gần trọn cuộc đời, cũng chỉ quen với ánh sao đêm. Năm trước nghe nói góp được ít tiền mua bình ắc quy để thắp sáng. Nhưng không dám dùng nhiều, chỉ thắp mỗi cái bóng đèn. Một tuần một lần, ông lại đem bình ra tận trung tâm xã, cách hàng chục cây số để sạc điện.
Đang miên man nghĩ ngợi thì chuông điện thoại lại reo. Đầu dây, ông Vi Thanh Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, giọng rất hồ hởi khoe: “Huyện phủ sóng điện lưới đến 100% thôn xóm rồi nhà báo nhé. Bãi Kè và Hợp Thành là hai xóm cuối cùng, xa xôi, nghèo nhất của huyện đã có điện rồi đấy”.
Ông bảo, huyện nhận được kiến nghị của xã, của người dân lâu rồi, nhưng kinh phí lớn quá nên ngân sách huyện chưa bố trí được. Để có điện phục vụ nhân dân, năm 2017, từ ngân sách Trung ương hỗ trợ 60%, rồi kinh phí của tỉnh, huyện đã huy động được hơn 10 tỷ đồng xây dựng Trạm điện cho hai xóm Bãi Kè và Hợp Thành. Ngay đầu năm 2018, buổi nghiệm thu đóng điện cho hai xóm đã được tổ chức rất long trọng, trong niềm hân hoan của các cấp chính quyền và người dân.
Cần thêm nguồn lựcCũng như xóm Kè, xóm Hợp Thành ở Nghệ An, nhiều thôn bản trên cả nước lâu nay “khát điện” thì Tết này đã thỏa cơn khát. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau nhiều năm đẩy mạnh đầu tư và triển khai quyết liệt, hệ thống cung cấp điện đã vươn tới tất cả các xã và phần lớn các thôn bản. Năm 2011, cả nước còn 17 xã còn “trắng” điện lưới thì đến nay, điện đã phủ sóng 100% số xã trên cả nước.
Đây chính là kết quả của Chương trình cấp điện về nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Với tổng vốn đầu tư hơn 28 nghìn tỷ đồng, chương trình dự kiến cấp điện cho 12.140 thôn, bản chưa có điện trên cả nước. Sau 5 năm triển khai, người dân ở những thôn bản xa xôi, hẻo lánh đã được hưởng niềm vui có điện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhưng mục tiêu đưa ánh sáng văn minh về vùng sâu, vùng xa vẫn còn một chặng đường đầy khó khăn phía trước. Dù đất nước đã bước vào thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng hiện vẫn còn nhiều thôn bản chưa có điện.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, hiện cả nước còn khoảng 251.308 hộ dân nông thôn sinh sống tại 6.162 thôn, bản ở cả ba miền chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Đây là số lượng không hề nhỏ, trong khi Chương trình cấp điên cho nông thôn, miền núi và hải đảo chỉ còn chưa đầy hai năm nữa là kết thúc.
Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mặc dù ngành Điện rất nỗ lực nhưng việc thực hiện chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo thường xuyên gặp khó do thiếu vốn. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn để thực hiện chương trình lên tới 13.720 tỷ đồng, nhưng ngân sách nhà nước chỉ bố trí 1.450 tỷ đồng, bằng khoảng 10,6% tổng nhu cầu.
Trước đó, giai đoạn 2011-2015, EVN đã thực hiện các dự án đầu tư cấp điện nông thôn trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các khu vực đồng bào DTTS ở miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ với tổng vốn trên 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn thực hiện đều là vốn vay ngoài nước.
Bởi vậy, để đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh thì hiện vẫn rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Các cấp ngành, địa phương cần huy động được nguồn vốn từ các đối tác, tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á... Có như vậy, Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo mới đạt mục tiêu đề ra.
SỸ HÀO