Nhiều mô hình, chương trình được triển khai
Việc triển khai nhiều mô hình, chính sách hỗ trợ giúp người dân vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở huyện Sông Hinh thời gian qua đã góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống kinh tế của người dân.
Gia đình anh Ma Nhật ở buôn Dành, xã Ea Bia trước đây gặp nhiều khó khăn, hàng năm đến mùa giáp hạt thường xuyên bị thiếu đói. Nhờ Nhà nước cấp cho 3 sào lúa nước, hướng dẫn canh tác và được hỗ trợ một phần thủy lợi phí từ công trình trạm bơm thủy lợi, ruộng lúa của gia đình anh Ma Nhật luôn tươi tốt, được mùa. Đến nay, không những thoát cảnh thiếu đói giáp hạt, mà gia đình còn được ăn cơm gạo ngon từ những giống lúa mới. “Bà con đồng bào DTTS ở đây rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư, chuyển đổi từ lúa rẫy sang lúa nước, tập quán sản xuất của bà con cũng thay đổi. Nhiều giống lúa mới được bà con sản xuất thành công, cho năng suất cao”, anh Ma Nhật bày tỏ.
Không chỉ chính sách hỗ trợ phát triển cây lúa nước, mà nhiều chương trình hỗ trợ khác cũng đã đến với người dân. Đàn dê 15 con của hộ chị Mí Điệp thuộc chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Sông Hinh, được huyện đầu tư giống, hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật, dê không ngừng phát triển và nay đã trở thành hướng làm ăn mới. Chị Mí Điệp cho biết: “Trước đây gia đình có nuôi bò, bây giờ nuôi thêm dê nữa nên thu nhập cũng khá hơn. So với trồng sắn thì nuôi dê thuận lợi hơn nhiều, vừa sẵn thức ăn, dễ bán, không lo hạn hán sâu bệnh như trồng sắn. Nhờ sự hỗ trợ của huyện, đến nay đời sống của gia đình ổn định hơn”.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh, cho biết: Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thời gian qua trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Là địa phương chủ yếu canh tác cây lúa rẫy, đến nay diện tích lúa nước ở huyện Sông Hinh lên đến hơn 1.740ha canh tác 2 vụ, đặc biệt một số vùng khó khăn như các xã Ea Lâm, Ea Trol, người dân rất phấn khởi khi có ruộng lúa nước để sản xuất.
Ngoài các mô hình chăn nuôi như dê, cừu, heo đen địa phương, thực hiện chương trình hành động của Huyện ủy về chủ trương, định hướng phát triển cây ăn quả trên địa bàn, từ năm 2017 đến nay, huyện đã triển khai và hỗ trợ 13 mô hình trồng 11 loại cây ăn quả với diện tích khoảng 60ha, có 102 hộ tham gia. Các mô hình trên được kiểm tra, theo dõi thường xuyên, bước đầu đạt kết quả tốt. Sự thành công của mô hình đã thúc đẩy phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn, đến nay diện tích cây ăn quả đạt hơn 1.200ha, trong đó một số cây có giá trị kinh tế cao đang được người dân quan tâm đầu tư mở rộng như sầu riêng, cam, quýt, bưởi da xanh, dừa, nhãn…
Tiếp tục đầu tư, phát triển nông nghiệp
Theo UBND huyện Sông Hinh, địa phương rất quan tâm đến đời sống người dân, đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS. Ngoài các chương trình hỗ trợ trực tiếp, 10 năm qua, huyện đã đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, vùng nông thôn gần 700 tỷ đồng, xây dựng 7 công trình thủy lợi, làm hơn 120km đường bê tông nông thôn, xây dựng 2 công trình nước sạch tập trung và xây dựng, sửa chữa trường học, trạm y tế, xóa nhà tạm. Với người dân, hơn 10.000ha sắn, 4.500ha mía, 4.100ha cao su, 1.200ha cây ăn quả cũng luôn được chính quyền quan tâm, sát cánh lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, điển hình như trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện đến nay cơ bản đi đúng hướng, giúp nông dân ổn định đời sống kinh tế. Địa phương đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Huyện tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng có tưới, xây dựng một số vùng chuyên canh cây ăn quả, tiếp tục phát triển một số loại cây trồng có triển vọng khác. Sông Hinh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư các nhà máy chế biến nông sản.../.