Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Huyện Quế Phong (Nghệ An): Chanh leo nhiễm bệnh tràn lan

PV - 15:14, 29/10/2018

Từng là cây trồng chủ lực giúp đồng bào các dân tộc ở huyện Quế Phong vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, do không chú trọng về kỹ thuật chăm sóc nên diện tích chanh leo bị nhiễm bệnh tràn lan khiến người dân phải chặt bỏ hàng loạt.

Ông Vi Văn Quang, Trưởng bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chia sẻ, cây chanh leo trước đây là cây giúp bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo. Đã có nhiều hộ dân nhờ cây chanh leo mà kinh tế gia đình khá giả. Thế nhưng thời gian gần đây, chanh leo trên địa bàn đồng loạt nhiễm bệnh phải chặt bỏ.

Ông Vi Văn Quang cho rằng “thời điểm này giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn đắt hơn giá chanh leo”. Ông Vi Văn Quang cho rằng “thời điểm này giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn đắt hơn giá chanh leo”.

Gia đình ông Quang cũng phải chặt bỏ hơn 400 gốc. Xót của nhưng nếu để lại cũng không cho thu hoạch, chỉ hy vọng chồi mới sẽ không còn bị bệnh nữa. Theo ông Quang, trước đây có 70 hộ trong bản trồng chanh leo với hàng ngàn gốc, mỗi năm đem lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người dân. Thế nhưng hiện nay, chỉ còn 20 hộ còn giữ lại cây chanh leo và số lượng diện tích không đáng kể.

Điều buồn cho người trồng chanh leo là, diện tích chanh leo nhiễm bệnh đã lan rộng trên địa bàn toàn xã, vì thế họ đã đồng loạt chặt bỏ. Trước đây, diện tích chanh leo của xã Tri Lễ là 212ha, thì hiện nay chỉ còn lại chưa đến 150ha.

Nguyên nhân người dân ở Quế Phong không mặn mà với cây chanh leo vì loài cây này rất dễ nhiễm mầm bệnh, mức độ lây lan nhanh, phun thuốc gần như không có tác dụng để triệt tiêu mầm bệnh dẫn tới người trồng buộc phải chặt bỏ.

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết: Theo quy hoạch vùng trồng được xác định lên tới 1.500ha. Tuy nhiên, sau 5 năm phê duyệt quy hoạch, diện tích chanh leo toàn huyện hiện nay mới chỉ trồng được 201ha.

Theo ông Dũng, lý do diện tích chanh leo không đạt được như quy hoạch là do chi phí đầu tư trồng cây chanh leo quá lớn, đầu ra lại phụ thuộc vào Công ty Nafoods đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm. Có thời điểm, giá chanh leo quá thấp nên người dân không mặn mà mở rộng diện tích trồng mới.

Qua tìm hiểu, hiện nay các mặt hàng phân bón vật tư và thuốc bảo vệ thực vật cho cây chanh leo còn cao; phải nhập khẩu hoặc mua bán từ địa phương khác, sau đó mới vận chuyển về vùng trồng khá xa nên ngoài chi phí thực tế của sản phẩm còn phát sinh thêm chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, việc phun thuốc và sử dụng các chế phẩm phòng trị bệnh cho cây chanh leo của bà con chưa thường xuyên, liên tục và đúng thời điểm.

Về giải pháp để khôi phục lại vùng chanh leo, ông Dũng cho hay, trước mắt huyện đã vận động bà con chặt bỏ hoàn toàn những diện tích cây bị nhiễm bệnh để triệt tiêu mầm dịch và cho đất nghỉ một thời gian để làm công tác cải tạo. Sau đó, trồng loại cây khác để thay thế trong vòng 2 đến 3 năm sau mới trồng lại chanh leo. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, nên trồng cây gì để thay thế, thì huyện vẫn chưa có chủ trương cụ thể, còn bà con thì vẫn lúng túng và bị động.

Tuy nhiên, để duy trì cây chanh leo-từng là một cây trồng chủ lực tăng thu nhập của bà con trong giải pháp căn cơ nhất vẫn là, giúp người dân có những phương án phòng trừ sâu bệnh, tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm, cũng như quy hoạch diện tích trồng chanh leo phù hợp với thổ nhưỡng để người dân yên tâm canh tác.

Trước mắt huyện đã vận động bà con chặt bỏ hoàn toàn những diện tích cây bị nhiễm bệnh để triệt tiêu mầm dịch và cho đất nghỉ một thời gian để làm công tác cải tạo. Sau đó, trồng loại cây khác để thay thế trong vòng 2 đến 3 năm sau mới trồng lại chanh leo”. (Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong).

MINH THỨ