Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện Krông Ana (Đắk Lắk): Lợi ích kép từ sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật

Lê Hường - 16:55, 17/12/2024

Những kiến thức về pháp luật tưởng chừng khô khan, cứng nhắc lại trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ thông qua hình thức sân khấu hóa. Ấn tượng nữa, những tiểu phẩm do huyện Krông Ana xây dựng và chính những công chức, tuyên truyền viên, cán bộ thôn, buôn, Người có uy tín trực tiếp tham gia diễn xuất trên sân khấu, tiếp tục được huyện tổ chức ghi hình lại và tiếp tục đưa đến các buôn chiếu lưu động, nhân lên hiệu quả tuyên truyền pháp luật.

Từ trẻ em đến người già buôn Tơ Lơ, xã Ea Na chăm chú xem chiếu phim lưu động
Từ trẻ em đến người già buôn Tơ Lơ, xã Ea Na chăm chú xem chiếu phim lưu động

Cán bộ tuyên truyền pháp luật trên sân khấu

Chúng tôi đến nhà cộng đồng buôn Tơ Lơ, xã Ea Na buổi tối ngày cuối năm, khi đồng bào các DTTS trong buôn chăm chú dõi theo những thước phim trên màn hình rộng. Trong đó, có tiểu phẩm “Căn nhà mới” mà huyện Krông Ana tự xây dựng kịch bản tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2024.

Nội dung tiểu phẩm là câu chuyện có thật, xảy ra tại một xã vùng II có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tiểu phẩm là lời cảnh tỉnh về tình trạng lừa đảo đồng bào DTTS đi lao động nước ngoài, lừa bán làm tiếp viên karaoke. Đặc biệt, diễn viên trong tiểu phẩm lại chính là cán bộ, công chức, tuyên truyền viên, Người có uy tín, cán bộ ở cơ sở diễn xuất càng làm người xem chú ý.

Bà H’Nhen Êban buôn Tơ Lơ bày tỏ: Tiểu phẩm có những đoạn xúc động, nhiều cảnh hồi hộp, cán bộ diễn rất thật, tôi rất ấn tượng. Sau khi xem tiểu phẩm, tôi hiểu thêm về tình trạng lừa đảo người đồng bào DTTS đi lao động. Tôi thấy các chính sách, pháp luật và sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Qua đó, tôi hiểu người dân cần trang bị kiến thức pháp luật, chủ động nắm bắt các quy định liên quan thông qua công tác tuyên truyền của chính quyền, để biết cách xử lý tình huống xảy ra trong thực tế.

Là một trong những thành viên tham gia diễn xuất, anh K’Nik, Trưởng Buôn Dur 1, xã Dur Kmăl chia sẻ: Tôi háo hức, phấn khởi khi lần đầu tiên được cùng với các cán bộ công chức, tuyên truyền viên, Người có uy tín tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Đảm nhận vai trưởng buôn, Người có uy tín giống như nhiệm vụ ngoài thực tế, tôi nhập vai dễ dàng nên diễn cũng rất tự nhiên, thoải mái. 

"Cách đây ít ngày, tiểu phẩm được phát trong hoạt động chiếu phim lưu động tại nhà cộng đồng buôn, bà con đến xem rất đông và khen tiểu phẩm hay. Qua tiểu phẩm bà con buôn Dur 1 hiểu thêm về pháp luật, chính sách đối với đồng bào DTTS để phấn đấu, vươn lên", anh K’Nik phấn khởi khoe.

Những thước phim tuyên truyền pháp luật chiếu màn hình rộng thu hút người dân
Những thước phim tuyên truyền pháp luật chiếu màn hình rộng thu hút người dân

Chia sẻ với phóng viên, Trưởng phòng Dân tộc H’Ban Niê Kdăm bộc bạch: Tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện Krông Ana xây dựng kịch bản cụ thể cho từng nội dung và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong đội. Riêng đối với phần thi tiểu phẩm, Phòng Dân tộc phối hợp với Công an huyện đi thực tế, tìm hiểu, lấy dữ liệu từ các nhân vật có thật trên địa bàn huyện như: nhân vật bị lừa đảo đi lao động nước ngoài, bị lừa bán làm tiếp viên quán karaoke…; Sau khi bị lừa, một số nạn nhân đã được lực lượng chức năng lập chuyên án và giải cứu thành công.

“Từ các nhân vật có thật, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện, trực tiếp xây dựng kịch bản và có sự góp ý, điều chỉnh của Công an huyện để tiểu phẩm vừa mang bản sắc, phong tục vừa đảm bảo tính chất tuyên truyền về chính sách pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc, cũng như đảm bảo về an ninh chính trị tại địa phương”, Trưởng phòng Dân tộc H’Ban Niê Kdăm chia sẻ thêm.

Nhân lên hiệu quả tuyên truyền

Quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào DTTS, huyện Krông Ana đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, mang lại hiệu quả tích cực.

Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Phòng Dân tộc thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cơ sở. Trong số các chính sách pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS, Phòng Dân tộc cũng tích cực phối hợp với các đơn vị tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong trường học. 

Tiểu phẩm “Căn nhà mới” huyện Krông Ana tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về linh vực công tác dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2024 được chiếu ở các buôn đồng bào DTTS
Tiểu phẩm “Căn nhà mới” huyện Krông Ana tham gia Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2024 được chiếu ở các buôn đồng bào DTTS

Đặc biệt, Phòng Dân tộc phối hợp với Công an huyện tổ chức các buổi chiếu phim lưu động và tuyên truyền về pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em, nhận diện tội phạm tình dục trẻ em. Từ đó, trang bị cho người dân kiến thức phòng ngừa, phòng tránh từ sớm, cảnh giác, tự bảo vệ mình và bảo vệ trẻ em gái, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em tại gia đình, trường học trong vùng đồng bào DTTS.

Với nhiều cách làm, hoạt động cụ thể, thời gian qua, trên địa bàn huyện Krông Ana không có vấn đề nổi cộm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, hai năm nay xảy ra một vài trường hợp xâm hại trẻ em.

Theo bà H’Ban Niê Kdăm, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Ana, đưa pháp luật lan tỏa sâu rộng vào cộng đồng các dân tộc bằng hình thức sân khấu hóa, được khẳng định là cách làm sáng tạo và hiệu quả. Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về lĩnh vực công tác dân tộc được “mềm hóa” thành những câu chuyện chân thật, dễ tiếp thu đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Đặc biệt, Phòng Dân tộc đưa tiểu phẩm mà huyện tự xây dựng kịch bản, cán bộ, công chức, tuyên truyền viên, Người có uy tín trên địa bàn huyện trực tiếp tham gia diễn xuất để chiếu trong các buổi tuyên truyền, chiếu phim lưu động đã tạo được nhiều ấn tượng trong đồng bào.

“Tôi nghĩ rằng khi cán bộ đứng lên sân khấu diễn xuất, truyền tải chính sách, pháp luật đến Nhân dân sẽ tạo sự gần gũi, chân thật và người dân sẽ thích thú, dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn, hiệu quả tuyên truyền sẽ được nhân lên”, bà H’Ban nhấn mạnh.