Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) với Chương trình MTQG 1719: Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm vùng DTTS và miền núi (Bài 5)

Văn Hoa - 11:07, 27/11/2024

Song song với việc đảm bảo nhà ở, nước sinh hoạt, sinh kế cho hộ nghèo, nhằm giúp hộ nghèo phát triển bền vững, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MGTQG 1719), huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cũng đang quan tâm triển khai các nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi.

Quan tâm giáo dục nghề nghiệp

Theo báo cáo của UBND huyện Chi Lăng, trong năm 2023, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) huyện Chi Lăng mở được 09 lớp dạy các nghề như: Chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi trâu bò, sửa chữa máy nông nghiệp tại các xã Vân An, Chiến Thắng, Bằng Hữu, Bằng Mạc, Hoà Bình, Vạn Linh, Thượng Cường với số lao động được đào tạo trên 300 người.

Kết thúc chương trình học nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng kiến thức, kỹ năng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình mới vào trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập. Một số học viên nghề phi nông nghiệp có thể tự tạo việc làm tại chỗ hoặc tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định.

Điển hình như ở Hữu Kiên, là xã có diện tích đồi núi, đồng cỏ rộng lớn rất thuận lợi cho việc chăn thả ngựa. Nắm bắt thuận lợi này, hằng năm, xã Hữu Kiên đã tuyên truyền, vận động bà con tăng đàn; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi ngựa.

Khai giảng lớp kỹ thuật chăn nuôi lợn tại xã Thượng Cường
Khai giảng lớp kỹ thuật chăn nuôi lợn tại xã Thượng Cường

Theo thống kê, toàn xã Hữu Kiên hiện đã có tổng số trên 2.400 con ngựa. Trung bình mỗi con ngựa giống hiện có giá từ 40 đến 50 triệu đồng/con, ngựa thịt có giá trên 40 triệu đồng/con. Để hỗ trợ hộ nghèo phát triển nghề chăn nuôi, năm 2024, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG 1719, UBND xã Hữu Kiên đã hỗ trợ 11 con ngựa bạch giống cho 11 hộ nghèo tại thôn Suối Mạ, với kinh phí trên 400 triệu đồng. Trong các buổi tập huấn, đều có thêm nội dung hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ngựa, do đó, các hộ được nhận hỗ trợ rất tự tin chăm sóc, chăn nuôi ngựa với mong muốn thoát nghèo. 

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình, người dân các xã khác cũng chủ động đưa giống ngựa bạch về chăn nuôi. Theo người dân, giống ngựa bạch có thuộc tính hiền, phù hợp với môi trường, khí hậu trên địa bàn huyện, giá trị kinh tế cao gấp đôi so với ngựa thường. Người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt, nấu cao hoặc bán con giống.

Hiện nay, Chi Lăng là huyện có tổng đàn ngựa bạch lớn nhất tỉnh, với tổng đàn ngựa là trên 4.000 con, tập trung nhiều ở các xã: Quan Sơn, Liên Sơn, Chiến Thắng, Bằng Hữu. Mỗi năm, từ chăn nuôi ngựa bạch, các hộ đã có thu nhập từ 50 triệu đồng/hộ/năm trở lên. Kết quả này, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 19,7% năm 2016 xuống còn 6,48% năm 2023.

Giáo viên của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chi Lăng đang hướng dẫn học viên pha chế thuốc thú y
Giáo viên của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chi Lăng hướng dẫn học viên pha chế thuốc thú y

Năm 2024, tổng kinh phí huyện Chi Lăng được giao 4 tỷ 473 triệu đồng, trong đó có 4.262 triệu đồng chuyển nguồn của năm 2022, 2023 sang thực hiện các nội dung theo kế hoạch vốn. Theo đó, Trung tâm GDNN-GDTX đã mở được 1 lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi gà cho lao động nông thôn tại xã Bằng Hữu, với 29 học viên tham gia; 2 lớp kỹ thuật chăn nuôi lợn tại xã Thượng Cường và Hoà Bình, với 58 học viên tham gia nội dung hỗ trợ đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ dưới 3 tháng;…

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, năm 2024, huyện Chi Lăng thực hiện 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị của do Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng giao cho các UBND các xã làm chủ đầu tư. Tất cả các dự án đều được tập huấn kiến thức, kỹ thuật để triển khai thực hiện đề án.

Giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS

Ngoài việc mở các lớp đào tạo nghề, kỹ thuật chăn nuôi, triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5, Chương trình MTQG 1719, huyện Chi Lăng đã tổ chức Ngày hội tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm năm 2023 nhằm định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động người DTTS.

Lễ bế giảng lớp đào tạo nghề chăn nuôi trâu bò cho lao động nông thôn đang sinh sống trên địa bàn xã Hòa Bình
Lễ bế giảng lớp đào tạo nghề chăn nuôi trâu bò cho lao động nông thôn tại xã Hòa Bình

Ngày hội có sự tham gia của 23 gian hàng, trong đó 14 doanh nghiệp, 9 cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh. Có 1.500 lượt người tham dự tại Ngày hội, trong đó có 1.200 lượt người được tư vấn chính sách lao động - việc làm, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm. 288 người người lao động tìm kiếm việc làm, 175 người được giới thiệu việc làm và phỏng vấn trực tiếp, 149 người đăng ký học định hướng nghề....

Năm 2024, Phòng Lao động, Thương binh và xã hội – Dân tộc huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền nội dung hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời Phòng cũng đã hướng dẫn người lao động cung cấp các giấy tờ, chứng từ cần thiết, đến nay đã hỗ trợ cho 03 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Có thể thấy rằng, từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động DTTS được huyện Chi Lăng quan tâm. Nhờ đó đã giúp nhiều người lao động DTTS của huyện Chi Lăng có nghề nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.