Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện biên giới Minh Hóa (Quảng Bình): Nhiều giải pháp tiến tới bao phủ BHYT toàn dân

Phạm Tiến - 06:27, 04/07/2024

Huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình) đã xác định Bảo hiểm Y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của địa phương. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính quyền các cấp luôn nỗ lực với mục tiêu tiến tới bao phủ BHYT toàn dân.

Cán bộ BHXH huyện Minh Hóa tư vấn về chính sách bảo hiểm XH,BHYT cho người dân tại trụ sở chính
Cán bộ BHXH huyện Minh Hóa tư vấn về chính sách BHXH, BHYT cho người dân tại trụ sở chính

Huyện Minh Hoá (Quảng Bình) có 15 xã, thị trấn trực thuộc, với dân số 52.200 người. Trong đó, có 4 xã biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2023 chiếm tỷ lệ 15,31%), chủ yếu ở vùng đồng bào DTTS.

 Trước thời điểm tháng 6/2021, toàn huyện Minh Hóa thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên người dân được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, từ sau thời điểm tháng 6/2021, huyện Minh Hóa có 11 xã, thị trấn thoát ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hơn 20 nghìn người ở huyện miền núi Minh Hóa không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Cũng từ đó đến nay, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện cùng chính quyền địa phương đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong phát triển BHYT và đảm bảo được tiến độ bao phủ BHYT toàn dân.

Xác định BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội để ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác BHYT trên địa bàn huyện, như Công văn số 207-CV/HU ngày 18/10/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn huyện; Công văn số 293-CV/HU ngày 23/5/2022 về tăng cường công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BHYT…

Ngoài ra, Minh Hóa cũng thành lập kiện toàn Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban để thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, Ban Chỉ đạo cùng chính quyền cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT.

Cán bộ, nhân viên BHXH huyện Minh Hóa tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT gia đình tại xã Xuân Hóa
Cán bộ, nhân viên BHXH huyện Minh Hóa tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT gia đình tại xã Xuân Hóa

Nhờ đó, số lượng người tham gia BHYT tự nguyện không ngừng tăng lên, dần bù đắp lại số người tham gia bị thiếu hụt do điều chỉnh chính sách. Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,7% dân số.

 Đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ phát triển đối tượng mới tham gia BHYT tự nguyện. Đối tượng nhắm đến để tuyên truyền vận động là hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ… để mở rộng đối tượng hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT năm 2024 theo kế hoạch đã đặt ra.

Ở Minh Hóa có 4 xã biên giới có đông đồng bào DTTS là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa và thôn Yên Vân, xã Hóa Tiến thụ hưởng chính sách vùng biên giới nên người dân được cấp thẻ BHYT miễn phí. Tuy nhiên, ở các xã được đưa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đời sống Nhân dân cũng còn vất vả nên việc tham gia BHYT tự nguyện có nhiều trở ngại.

Đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa được khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa
Đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa được khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Minh Hóa

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Đinh Hữu Nam, Giám đốc BHXH huyện Minh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền mạnh ở các xã, thị trấn không còn thuộc đối tượng được thụ hưởng ngân sách nhà nước cấp thẻ BHYT để Nhân dân hiểu và đồng thuận. Đến bây giờ người dân cũng đã có nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò của BHYT nên tỷ lệ người tự nguyện tham BHYT ngày càng tăng”.

Theo số liệu thống kê từ BHXH huyện Minh Hóa, tính đến 01/6/2024, toàn huyện đã có 43.489 người tham gia BHYT đạt 85,7% kế hoạch năm 2024. Trong đó, số người tham gia BHYT hộ gia đình đã vượt 100,8% kế hoạch năm 2024. 

Để hoàn thành chỉ tiêu đến cuối năm 2024, toàn huyện bao phủ được 97% dân số tham gia BHYT, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH - BHYT đang tiếp tục  đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về quyền, lợi ích và nghĩa vụ người tham gia bảo hiểm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu, chi trả chế độ bảo hiểm.

Cùng với tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH, ngành BHXH huyện Minh Hóa còn thực hiện nhiều chính sách an sinh, như tặng quà để tri ân khách hàng
Cùng với tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH, ngành BHXH huyện Minh Hóa còn thực hiện nhiều chính sách an sinh, như tặng quà để tri ân khách hàng

Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH – BHYT Minh Hóa cho biết: Hiện Ban Chỉ đạo đã giao các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BHYT để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Cùng với đó, địa phương đã thành lập các tổ, giao bưu điện phụ trách về tận thôn bản để tuyên truyền, thu phí BHYT tạo điều kiện tốt nhất, tiện lợi nhất để người dân tham gia BHYT. 

"UBND huyện cũng trích ngân sách để hỗ trợ cho học sinh là con của hộ cận nghèo tham gia BHYT. Đến nay, huyện đã đạt 85,7% kế hoạch về số người tham gia BHYT của năm 2024. Với cách làm quyết liệt như hiện nay, tin chắc đến cuối năm chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT đến 97% dân số toàn huyện”, ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.