Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện biên giới Đăk Glei sẵn sàng cho năm học mới

Ngọc Chí - 02:21, 30/08/2024

Với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), hệ thống trường, lớp, trang thiết bị dạy học ở các trường trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei (Kon Tum) đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Thầy và trò ở huyện biên giới còn nhiều khó khăn này phấn khởi và vững tin bước vào năm học mới 2024 - 2025.

Giáo viên Trường TH&THCS Đăk Nhoong chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh vào năm học mới 2024 - 2025
Giáo viên Trường TH&THCS Đăk Nhoong chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh vào năm học mới 2024 - 2025

Chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, Trường TH&THCS Đăk Nhoong, huyện biên giới Đăk Glei được huyện hỗ trợ sửa chữa lại 6 phòng học, bổ sung thêm bàn ghế, trang thiết bị đảm bảo cho việc dạy và học của nhà trường. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Thầy giáo Hoàng Văn Việt - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đăk Nhoong chia sẻ: Năm học 2024 - 2025, trường có 18 lớp, với 472 học sinh là người DTTS. Đến thời điểm hiện nay, các em học sinh đã tựu trường và điều đáng mừng là phụ huynh rất quan tâm và chuẩn bị đầy đủ về sách vở, đồ dùng học tập cho các em đến trường. Với sự quan tâm của các cấp, ngành và phụ huynh, đây là động lực để thầy và trò nhà trường phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học.

Ngày 26/8, các em học sinh ở huyện biên giới Đăk Glei đã tựu trường để chuẩn bị bước vào năm học mới
Ngày 26/8, các em học sinh ở huyện biên giới Đăk Glei đã tựu trường để chuẩn bị bước vào năm học mới

Em Y Huyền Nhi - Học sinh lớp 9A, Trường TH&THCS Đăk Nhoong phấn khởi cho biết: Vào năm học mới em cảm thấy rất vui, quần áo, sách vở được bố mẹ chuẩn bị đầy đủ. Ngày 26/8 chúng em tựu trường và được thầy cô quan tâm động viên nên em sẽ cố gắng học tập thật tốt.

Từ nguồn vốn hơn 28 tỷ đồng của Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, huyện Đăk Glei đã đầu tư xây dựng các phòng học, phòng bộ môn, phòng ở cho học sinh và giáo viên, nhà ăn, công trình vệ sinh nước sạch cho 5 trường ở 5 xã khó khăn trên địa bàn huyện.

Thầy giáo Nguyễn Thừa Kiên - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú TH&THCS Mường Hoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Với sự quan tâm của huyện, trường được đầu tư xây dựng mới dãy phòng học 2 tầng, với 4 phòng học; phòng văn hóa dân tộc; công trình vệ sinh với đầy đủ trang thiết bị. Việc đầu tư xây dựng các công trình đã tháo gỡ khó khăn, thiếu thốn về phòng học, nhà sinh hoạt tập thể, khu vệ sinh cho học sinh, giáo viên. Qua đó, tạo điều kiện cho nhà trường làm tốt công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. 

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, Trường PTDTBT TH&THCS Mường Hoong được xây dựng thêm 04 phòng học mới
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, Trường PTDT Bán trú TH&THCS Mường Hoong được xây dựng thêm 4 phòng học mới

Năm học 2024 - 2025, huyện biên giới Đăk Glei có 30 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, với 524 lớp và 14.600 học sinh. Số học sinh người DTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập là 9.666 học sinh.

Ngày 26/8, các em học sinh trên địa bàn huyện đã tựu trường để giáo viên chủ nhiệm kiểm tra sách vở và tham gia vệ sinh trường lớp chuẩn bị bước vào năm học mới. Với sự quan tâm của Nhà nước, phụ huynh và các nhà hảo tâm, đến nay các em học sinh trên địa bàn huyện đều đã có sách giáo khoa để học tập.

Cô giáo Bùi Thanh Huệ - Trường TH&THCS Đăk Nhoong cho biết: Trước khi bước vào năm học mới, nhà trường có phân công cán bộ, giáo viên xuống thôn phối hợp với thôn trưởng, già làng nắm bắt tình hình các em học sinh. Qua đó, tôi nắm bắt được điều kiện của các em học sinh và tuyên truyền, vận động để phụ huynh quan tâm, chăm lo đảm bảo cho các em có điều kiện đến trường. Nhờ vậy, các em học sinh đã đến trường đông đủ trong ngày tựu trường.

Qua kiểm tra thì các em học sinh DTTS trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei đã có đủ sách, vở để bước vào năm học mới
Qua kiểm tra, các em học sinh DTTS trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei đã có đủ sách, vở để bước vào năm học mới

Tuy đã chuẩn bị về mọi mặt, nhưng hiện nay ngành GD&ĐT huyện Đăk Glei còn gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên. Hiện toàn huyện còn thiếu 52 giáo viên, trong đó, mầm non 19, tiểu học 16, trung học cơ sở 17; đặc biệt, huyện còn thiếu một số giáo viên dạy lớp tin học, ngoại ngữ, các môn nghệ thuật theo chương Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bà Nguyễn Thị Thương - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch tuyển dụng viên chức dự kiến tháng 10/2024 có kết quả tuyển dụng để bổ sung cho các đơn vị. Riêng đối với việc thiếu giao viên giảng dạy cho các môn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thì Phòng tham mưu UBND huyện sắp xếp, bố trí giáo viên ở trường khác giảng dạy các môn học này cho các đơn vị chưa có giáo viên.

Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo và tinh thần vượt khó, hy vọng năm học 2024 - 2025 ngành GD&ĐT huyện Đăk Glei sẽ tạo được những bước đột phá và gặt hái nhiều thành công mới trong sự nghiệp trồng người.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.