Sự kiện hướng đến nâng cao nhận thức về những xu hướng và diễn biến đáng lo ngại trước vấn nạn mua bán người, đồng thời kêu gọi các Chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan công vụ và các tổ chức xã hội tăng cường đánh giá và nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng ngừa, xác định và hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay, trong những năm gần đây, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Nạn nhân là những người dễ bị tổn thương, bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa, phần lớn bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang.
Tội phạm mua bán người thường hoạt động thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm khác như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy.
Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống mua bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg, lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm huy động các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và toàn thể Nhân dân tham gia phòng, chống mua bán người.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, thời gian qua, Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống mua, bán người và hỗ trợ các nạn nhân, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ: Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao; nhiều vụ mua bán người được triệt phá; nhiều nạn nhân được giải cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, tình hình mua, bán người vẫn diễn ra phức tạp. Nhiều người vì thiếu hiểu biết vẫn bị bọn tội phạm lợi dụng để mua bán, cưỡng bức lao động, cưỡng bức tình dục, mua bán bộ phận cơ thể… làm mất an ninh trật tự, phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình. Phần lớn nạn nhân bị mua bán bị suy giảm về sức khỏe thể chất, bị sang chấn tâm lý dẫn đến suy giảm khả năng lao động, học tập, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
“Tôi hy vọng rằng, sau chương trình ngày hôm nay, tất cả các cán bộ, công chức và đoàn viên, thanh niên, sinh viên có mặt tại đây sẽ tham gia tích cực vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về nguy cơ, tác hại của tội phạm mua, bán người, để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, luôn cảnh giác để bản thân và gia đình, cộng đồng không trở thành nạn nhân của tội mua, bán người”, ông Hồi bày tỏ.
Khẳng định tầm quan trọng trong việc phòng chống tội phạm nguy hiểm này, ông Iain Frew - Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cho hay, phòng, chống di cư bất hợp pháp và nô lệ hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Vương quốc Anh. Trong thời gian tới, ông mong muốn sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam hơn nữa trong ngăn chặn và đấu tranh với nạn di cư bất hợp pháp, đồng thời tin tưởng rằng đấu tranh chống mua bán người là lĩnh vực quan trọng và mang lại lợi ích song phương cho cả hai quốc gia.
“Chúng tôi khuyến khích mọi người cân nhắc kỹ lưỡng khi dự tính các lộ trình di cư. Người di cư cần nhận thức rõ ràng về các nguy cơ liên quan đến di cư trái phép và hãy tìm đến những hình thức di cư hợp pháp nhằm bảo đảm an toàn”, ông nhấn mạnh.
Gắn bó xuyên suốt với chuỗi hoạt động của sự kiện, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê chia sẻ, là một cô gái dân tộc Ê Đê, cô được may mắn đồng hành cùng chương trình, được lắng nghe nhiều câu chuyện thực tế, nhất là những câu chuyện về đồng bào DTTS xoay quanh vấn nạn này. Qua đây, H’Hen Niê bày tỏ hi vọng được tiếp tục đồng hành với những chương trình về phòng, chống mua, bán người, lan tỏa, dùng tiếng nói, sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa thông điệp: “Nơi mình sinh ra sẽ cho mình yêu thương, giúp mình phát triển và chạm đến khát vọng, đam mê của mình”.