Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử tiến tới thay văn bản giấy. Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia. Thực hiện việc gửi nhận, văn bản điện tử là bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử, hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh; hướng tới nền hành chính hiện đại, không giấy tờ…
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, đến nay, có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước (trong vòng 01 tháng đầu năm nay có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử).
Vừa qua, Trục liên thông văn bản quốc gia làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử đã chính thức được khai trương. Dự kiến, Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ giúp tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Trục Liên thông văn bản quốc gia đi vào hoạt động không chỉ bảo đảm kết nối việc nhận, gửi văn bản giữa giữa các bộ, ngành, địa phương mà còn có thể chia sẻ, kết nối dữ liệu theo các chuẩn khác nhau.
Để Trục liên thông văn bản quốc gia thông suốt, thống nhất, an toàn và hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, các ngành, các địa phương nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng lộ trình. Trước hết là ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản. Thủ tướng lưu ý, việc chuẩn hóa quy trình các bước gửi, nhận văn bản điện tử nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức và người sử dụng, góp phần hoàn thiện công nghệ, tính bảo mật cho hệ thống thông tin…
THANH HUYỀN