Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hương sắc biên cương

Nguyễn Thanh - 21:08, 08/01/2025

Khi chúng tôi ngược núi trong cái lạnh se sắt cuối năm, thì những chuyến xe tải ì ạch đầy hàng cũng lặng lẽ đổ dốc. Và, trên đó, chúng tôi đã bắt gặp không chỉ gà, lợn, nếp nương, lá dong… mà còn là những cành đào rời núi mang theo chút hương sắc biên cương về xuôi.

Một cơ sở thu mua lá dong chuẩn bị cung ứng về xuôi
Một cơ sở thu mua lá dong chuẩn bị cung ứng về xuôi

“Lộc rừng” về phố

Cữ 15 tháng Chạp, khi những cơn mưa phùn nặng hạt mang theo cái lạnh như cứa vào da, cũng là lúc bà con vùng cao rủ nhau đi hái lộc rừng. Ấy là lá dong, là cuộn giang… dùng để gói bánh; được thu hái tự nhiên từ rừng; để người người, nhà nhà thêm chút hương sắc ngày Tết.

Dẫu mỗi năm chỉ hái một lần, nhưng cũng đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Giá thu mua lá dong của thương lái tùy thuộc vào từng năm. Như năm nay, thương lái thu mua cho bà con từ 300 - 400 đồng/lá. Mỗi người có thể thu về 300 - 400 nghìn đồng/ngày từ hái lá dong. Còn ống giang, giá bán là 1.000 đồng/ống, mỗi ngày 1 người có thể lấy được 250 - 300 ống giang, cũng cho thu về từ 250.000 - 300.000 đồng.

Rồi cả đào, những vùng bạt ngàn đào như Quế Phong, Kỳ Sơn… cũng đang rục rịch chặt cành, đào gốc… vận chuyển về xuôi. Ở miền biên viễn xứ Nghệ, những nương đào đã bắt đầu nhuộm thắm bản làng, tô điểm thêm bức tranh xuân ngày Tết thêm ấm áp. Đào ở Kỳ Sơn, Quế Phong… từ nhiều năm nay đang là mặt hàng chưng tết khó thiếu của nhiều gia đình miền xuôi, dẫu giá cả không hề dễ thở.

Anh Xồng Bá Lẩu-bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) khoe: Nhà ta có gần 1.000 gốc đào, mỗi năm bán cành vào dịp tết cũng thu về hàng trăm triệu đồng. Cái đó, nghèo cũng vì thế mà dần lùi xa.

Những gốc đào của anh Lẩu và bao hộ dân ở Kỳ Sơn được trồng trên nương, quanh nhà sàn, quần cư với người trong cuộc sống bồn bề nơi miền biên cương xa lắc. Ngoài những cành đào bạc thếch, mốc xì quanh gốc, được chằng néo cẩn thận trên những chuyến xe đổ về xuôi; còn là những bao nếp nương, gừng, nghệ, măng khô, và cả bầu, bí… cũng hối hả vượt núi, vượt rừng về với thị thành.

Những nương đào bộn tiền ở Na Ngoi (Kỳ Sơn)
Những nương đào bộn tiền ở Na Ngoi (Kỳ Sơn)

Những sản phẩm ấy, là chắt chiu một nắng hai sương khó nhọc của những lão nông miền sơn cước. Để rồi vào dịp cuối năm, thương lái từ nhiều địa phương ở miền xuôi, ngược các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn... để thu mua “lộc rừng” về cung ứng thị trường Tết.

Có thâm niên nhiều năm “ăn hàng” hai chiều từ Con Cuông về các huyện miền xuôi và ngược lại, chủ xe tải Hùng Hương kể: Dịp Tết bọn tôi rất bận, hàng đi về liên tục trong ngày. Chủ yếu là nhu yếu phẩm của bà con được vận chuyển về xuôi bán. Giá cả thường cao hơn ngày thường nên bà con cũng có thêm thu nhập.

Đến “sản vật” nhà làm

Lợn, bò, trâu… của đồng bào miền núi đang là những mặt hàng được yêu thích dịp Tết đến xuân về. Đáp ứng nhu cầu này của người miền xuôi, người dân các huyện vùng cao đã chế biến thành những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.

Từ đầu tháng 12 âm lịch, các bản làng ở miền Tây xứ Nghệ đã đỏ lửa suốt ngày đêm chế biến các đặc sản cung ứng thị trường Tết Nguyên đán. Từ những món ăn truyền thống của người dân như, bò giàng, trâu giàng, lạp xường, rượu cần, rượu men lá… giờ đây đã trở thành những đặc sản được người dân miền xuôi ưa chuộng.

Những món ăn này, cũng đã trở thành một loại quà biếu độc đáo trong dịp Tết nên đây cũng là thời điểm những loại đặc sản này được tiêu thụ mạnh nhất, nhiều cơ sở không đủ hàng để cung ứng cho khách.

Trong số đó, thịt bò giàng, trâu giàng (loại thịt gác bếp) ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương là món được giới sành ăn đánh giá cao. Việc chế biến sản phẩm này rất cầu kỳ, phải chọn phần thịt chắc, thớ dọc, tươi và ngon mà chỉ có loại thịt trâu, bò bản địa mới đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này.

Sau khi cắt thịt thành từng thớ, ướp các gia vị như gừng, riềng, ớt khô, mặc khén và muối trắng..., bà con sẽ gác thịt trên bếp củi, hong khô bằng than và khói bếp.

"Lộc rừng" được người dân bày bán nơi phố núi Mường Xén - Kỳ Sơn
"Lộc rừng" được người dân bày bán nơi phố núi Mường Xén - Kỳ Sơn

Chế biến từ những phần ngon nhất, qua nhiều công đoạn, thịt bò giàng, trâu giàng có vị đậm đà, được nhiều người ưa chuộng. Hiện giá 1kg bò giàng dao động từ 1-1,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, với ưu điểm tiện lợi, dễ cất trữ, vận chuyển… nên đang là món đặc sản được nhiều người chọn làm quà biếu trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, lạp xưởng là món ăn truyền thống thường được chế biến mỗi khi dân bản có lễ hội, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết. Những con lợn bản địa được làm thịt, chọn phần thịt nạc chen thớ mỡ, rửa sạch, cắt hình hạt lựu và ướp với gia vị truyền thống.

Sau khi ướp gia vị, phần thịt đó được dồn vào lòng non của lợn đã làm sạch và hong khô, tạo thành vỏ bọc bên ngoài. Sau đó, đem hong dưới nắng rồi hun bằng khói bếp tạo vị thơm đặc trưng. Đây cũng là món ăn tiêu thụ mạnh, được người dân miền xuôi đặt hàng nhiều vào dịp Tết.

Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ một cơ sở sản xuất lạp xưởng, bò giàng ở thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương cho biết: Mỗi dịp Tết Nguyên đán, cơ sở chúng tôi sản xuất khoảng hơn 1 tấn lạp xưởng, và cũng chừng ấy bò giàng… nhưng thường hết rất sớm vì nguyên liệu đầu vào được tuyển lựa rất kỹ.

Một thức uống đậm đà dư vị của người vùng cao… đang dần trở thành thứ khó thiếu với người miền xuôi mỗi dịp lễ, Tết. Ấy là rượu cần, rượu men lá. Những vùng chuyên sản xuất rượu ở Con Cuông… đang là nơi cũng cấp nguồn rượu cần, rượu men lá nức tiếng.

Nấu rượu men lá là nghề truyền thống bao đời nay của đồng bào Thái bản Xiềng xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Hiện nay, ở bản Xiềng có 3 tổ nấu rượu với 41 hộ tham gia. Rượu chủ yếu được các tư thương thu mua nhập cho các nhà hàng, các mối hàng quen ở thành phố Vinh và Hà Nội. 

Những năm gần đây, nghề làm rượu men lá bản Xiềng phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Với công suất bình quân khoảng 200-300 lít rượu/ngày; mỗi tháng bình quân từ 6-7 nghìn lít đã mang lại thu nhập cho các hộ làng nghề, là hơn 28 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi lao động là 18 triệu đồng/người/năm.

Tết đang đến rất gần. Những chuyến xe hàng đổ về xuôi cũng vì thế mà thêm tấp nập, hối hả. Hương sắc biên cương đang trở thành sản phẩm đặc trưng, tô điểm thêm cho bức tranh ngày Tết nhiều dư vị ngọt ngào. Nhưng cái ngọt ngào lớn nhất, là đang góp phần để cuộc sống người dân miền sơn cước bớt đói nghèo, khốn khó...

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.