Nhìn vào thực tế có thể thấy, lĩnh vực công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ. Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và các cơ sở sản xuất mới thành lập đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Tuy nhiên, trước sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn vẫn là bài toán khó đối với các DN. Đơn cử như trường hợp của cơ sở Kim Chi rong biển Trần Văn Ân (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh), được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017.
Sản phẩm của cơ sở này đã được đưa vào siêu thị tại TP. Cam Ranh và đưa đi một số nước. Thế nhưng, 2 năm gần đây, lượng khách tiêu dùng tăng rất chậm. Theo ông Trần Văn Ân, chủ cơ sở cho biết: Năng lực của cơ sở có thể sản xuất nhiều sản phẩm hơn nữa, nhưng làm ra thì bán cho ai, vì nhu cầu tiêu thụ ở địa phương có hạn. “Cơ sở rất muốn mở rộng thị trường, nhưng khả năng tài chính hạn chế nên không thể quảng bá rộng rãi”, ông Ân chia sẻ thêm.
Một sản phẩm muốn có chỗ đứng trên thị trường, ngoài yếu tố chất lượng thì mẫu mã, hoạt động tiếp thị và chiến lược phát triển đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng vấn đề đặt ra là, đa số các DN, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, phải tự “dò đường” để quảng bá sản phẩm theo hình thức chào mời nhỏ lẻ và các nguồn quen biết, vì vậy, lượng khách hàng vẫn rất khiêm tốn.
Không chỉ các cơ sở công nghiệp nông thôn mới ra đời sau này, mà các làng nghề có tuổi đời cả trăm năm như: đá mỹ nghệ Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa), đúc đồng Phú Lộc (huyện Diên Khánh), gốm Vạn Bình (huyện Vạn Ninh)… nhiều năm nay cũng loay hoay tìm “lối thoát”. Các sản phẩm ngày càng được nâng cao về chất lượng, tư liệu sản xuất được đầu tư… nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Nhường, Chủ nhiệm HTX đúc Phú Lộc cho biết, làng nghề này có từ thời Vua Tự Đức. Trước đây, hầu như nhà nào cũng làm, nay chỉ còn 40 hộ giữ nghề nhưng cũng rất khó khăn để tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, để sản phẩm công nghiệp nông thôn thực sự có chỗ đứng trên thị trường, các DN cần phải hoạch định cho mình một chiến lược dài hơi, tìm hiểu nhu cầu thị trường để cho ra đời những sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm.
Ông Lê Hoàng Thọ, Phó Giám đốc Sở Công thương Khánh Hòa cho biết, nhằm tạo động lực cho công nghiệp nông thôn phát triển, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của sở đã tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đưa các sản phẩm xuất sắc đi tham dự cấp khu vực, cấp quốc gia. Đây là cơ hội để các DN quảng bá rộng rãi sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Sản phẩm sau khi được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh sẽ được quảng bá miễn phí trên trang web của sở trong 1 năm.
Ngoài ra, hằng năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Khánh Hòa còn tổ chức nhiều chương trình khuyến công cấp tỉnh và cấp quốc gia, hỗ trợ trang thiết bị cho các DN để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng năng suất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
“Tuy nhiên, những hỗ trợ của ngành Công thương như chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chỉ là bước khởi đầu, giúp DN có cơ hội tham gia vào thị trường; tạo tiền đề cho các cơ sở sản xuất tìm kiếm cơ hội. Sản phẩm công nghiệp nông thôn muốn tồn tại và phát triển mạnh mẽ thì các DN phải tự thân vận động, đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm… Đây là những yếu tố do chính chủ các cơ sở sản xuất quyết định, không cơ quan nào có thể làm thay được”, ông Thọ nói.
THÀNH NHÂN