Dịch Covid-19 có những tác động trực tiếp, dễ nhìn thấy nhất ở các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất. Theo thống kê, trong quý I, đã có hơn 6.500 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 4.240 doanh nghiệp tại Hà Nội giải thể, tạm ngừng hoạt động. Trong cả nước, có 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp “sống sót” buộc phải dùng đến phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm vì không có việc làm, không có nguồn thu. Đây là thiệt hại kép khi người lao động mất việc và doanh nghiệp đứng trước bờ vực khó khăn.
Thế nhưng, bên cạnh một số ngành nghề giảm tuyển dụng do dịch Covid-19, một số ngành khác lại có nhu cầu tuyển dụng tăng, điển hình như mua sắm Online, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến phát triển thương mại điện tử tăng. Không thể không nhắc đến là xu hướng người lao động biết chủ động tìm đến những sàn giao dịch việc làm Online (thông qua các Website tuyển dụng), với các thông tin việc làm đa dạng nên cơ hội để lựa chọn công việc phù hợp với bản thân là khá cao.
Đây cũng là cơ hội cho nhiều lao động với một số chuyển biến tích cực, khi các doanh nghiệp như dịch vụ, bán lẻ bắt đầu dọn hàng từ kệ sắt lên kệ Online, người lao động vẫn bảo đảm được công việc nhờ đẩy mạnh làm việc Online và thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Từ góc độ một doanh nghiệp công nghệ có hệ sinh thái bao phủ nhiều lĩnh vực, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Next Tech cho rằng, đây là cơ hội vàng để đưa năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, không chỉ của doanh nghiệp mà từng người dân lên tầm cao mới. Vậy nên đòi hỏi một sự thích ứng nhanh của người lao động với công nghệ 4.0, cũng như nhanh chóng cập nhật những kỹ năng để làm việc trong môi trường Online trong nền kinh tế như hiện nay, đặc biệt là với lực lượng lao động trẻ.
TS.Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ người lao động có kỹ năng, giúp nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế…, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đang có nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng người lao động theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và bảo đảm tính linh hoạt của người lao động; thực hiện đồng bộ theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật việc làm; pháp luật về giáo dục nghề nghiệp nhằm chuẩn hóa lực lượng lao động trên cơ sở khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia theo hướng tiệm cận với trình độ kỹ năng khu vực và thế giới.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng người lao động theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và bảo đảm tính linh hoạt của người lao động; thực hiện đồng bộ theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật việc làm…”.
TS.Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy.