Người Hrê ở An Lão sống tập trung tại các xã An Trung, An Hưng, An Dũng, An Vinh, An Quang và thôn Gò Đồn (xã An Tân). Làng của người Hrê được gọi là Plây, xây dựng trên các gò, đồi ở gần các sông, suối, địa hình thường dốc. Đồng bào Hrê thường lấy tên núi, đồi, sông, suối để đặt tên cho làng của mình như làng Hóc Đèn, Nước Roon, Gò Mít...
Các già làng Hrê kể lại rằng, Tết của đồng bào Hrê gọi là H’tend, theo tiếng địa phương có nghĩa là Hội Tết. Người Hrê tổ chức ăn Tết vào khoảng tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch, trước khi cúng rẫy (tháng 2 đến tháng 3). Họ không ăn Tết cùng một ngày mà mỗi làng, mỗi xã định ra ngày Tết của riêng mình. Tất cả các thành viên trong làng thường tập hợp tại nhà già làng vui chơi, ca hát và chúc tụng nhau.
Khi mùa xuân đến, công việc sản xuất, thu hoạch mùa màng đã xong xuôi, đồng bào trong các buôn làng tổ chức Lễ cúng bến nước. Đây là nghi lễ truyền thống của đồng bào Hrê. Lễ được tổ chức nhằm tạ ơn trời đất, các thần linh, tổ tiên ông bà phù hộ dân làng sau một năm vất vả; cầu mong mọi người luôn sức khỏe, dân làng được bình an và mong cho nguồn nước luôn dồi dào để dân làng ăn uống, sinh hoạt không ốm đau, bệnh tật, cây trái mùa màng tươi tốt, súc vật lớn nhanh, bản làng trù phú.
Sau Lễ cúng bến nước, các bà, các cô tất bật gói bánh tét, loại bánh có hình dạng nhỏ nhắn, thường buộc chung với nhau từng cặp rất đẹp mắt. Mối lạt đều, thẳng, gọn gàng. Ngoài ra, người Hrê còn có tục mỗi người gói một đòn bánh tét cho riêng mình, không có nhân, gọi là bánh cữ, loại bánh này mở ra ăn đầu năm.
Vào ngày Tết, nhà nào cũng có nồi bánh tét trong nhà. Những gia đình giàu có nấu một lần đôi ba nồi, ủ hàng chục ché rượu cần để đãi khách.
Ngày Tết thứ nhất được bắt đầu khi con chim vơ linh gọi mặt trời, sao mai còn lấp lánh trên đầu núi. Nghi lễ trước tiên gọi là H’vang h’nim, nội dung là dọn nhà, đuổi tà ma, xua mọi điều xấu và rước điều tốt, niềm vui vào nhà. Tiếp đến là Lễ cúng Kla hoang, Chem h’rai, Quai xiroo, nội dung chủ yếu là rước thần linh, tổ tiên về ăn Tết cùng người sống, cầu mong sự no đủ, tránh được điều xấu, kẻ ác.
Sáng ngày thứ 2, nhà nào cũng làm Lễ cúng trâu (Ta h’reo capơ) ngay trước cửa chuồng. Đây là lễ cúng đặc biệt quan trọng, vì đối với người Hrê, ngoài giá trị của cải, con trâu là vật thân thiết giúp họ kéo gỗ, cày bừa.
Lễ Ta h’reo capơ kết thúc sau lời nguyện cầu của chủ nhà mong cho con trâu được mạnh khoẻ. Sau đó, chủ nhà dọn cơm lam, rượu, thịt để mời khách cùng cả nhà ăn uống no say.
Khi rượu đã mềm môi, người lớn tuổi kể hơ-mơn theo nhịp trống, hát ka-lêu, ka-choi; con trai thì trổ tài đánh chiêng, chơi đàn krâu, brót, múa gươm, phóng lao, đánh vật, leo núi; con gái thì nhảy múa, khoe vòng kiềng và những bộ váy thổ cẩm tự mình dệt lấy. Các cô cũng hát ka-choi đối đáp với các chàng trai mà mình ưa thích. Cuộc vui kéo dài đến sáng hôm sau.
Ngày Tết thứ 3, là ngày cuối cùng, gọi là Ôkroh, đón khách đến thăm nhà. Chủ và khách chúc nhau những lời lẽ thật tốt đẹp. Trước đây, hội vui Ôkroh có thể kéo dài thời gian nhưng nay chỉ thu gọn trong 3 hôm. Tuy nhiên, không khí ngày lễ Tết vẫn sôi nổi, vui tươi khắp các buôn làng người Hrê cho đến hết mùa xuân.
ÁNH HƯỜNG - MINH NGỌC