Sau khi được chứng nhận đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng của Australia, những ngày cuối tháng 1/2018, Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn và Trường CÐ Cơ điện-Xây dựng và Nông lâm Trung bộ chính thức triển khai đào tạo các lớp nghề CĐ trình độ quốc tế, với 3 ngành học là: công nghệ sinh học, cơ điện tử và điện tử công nghiệp.
Để chuẩn bị cho việc dạy nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, các trường đã cho giảng viên đi bồi dưỡng nghiệp vụ tại Australia. Đến thời điểm hiện tại, các giáo viên phụ trách giảng dạy tại các lớp nghề trình độ quốc tế trên địa bàn tỉnh đều đã có kỹ năng, phương pháp đào tạo, đảm bảo chuẩn đứng lớp đạt Chứng chỉ đào tạo và đánh giá IV, Bằng CĐ nâng cao về nghề tại Australia.
Về những điểm khác biệt trong đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao của Australia, ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng nhà Trường chia sẻ: “Quan điểm đào tạo của Australia là đào tạo song hành với đánh giá. Ở Việt Nam, chúng ta hay đánh giá sinh viên khi kết thúc học kỳ. Nhưng tại chương trình đào tạo chuyển giao này, chúng ta đánh giá sinh viên sau mỗi kỹ năng thực hiện. Sẽ không có quan điểm là đậu hay rớt, điểm cao hay thấp mà chỉ có hai mức đánh giá là đạt hay không đạt. Chính vì thế, sinh viên sẽ không bị áp lực nặng nề về điểm số, thi cử mà tập trung rèn luyện kỹ năng, đảm bảo đạt được các chuẩn năng lực đầu ra theo yêu cầu của gói đào tạo”.
Còn anh Nguyễn Lê Công Minh, giảng viên nghề công nghệ sinh học cho hay: “Với quan điểm đào tạo thiên về thực hành, mỗi sinh viên của chương trình thí điểm đào tạo nghề trình độ quốc tế đều có cơ hội thực hành như nhau, đảm bảo cứ mỗi sinh viên vào thực hành lại có riêng một bộ thiết bị. Có bao nhiêu sinh viên buộc phải có bấy nhiêu bộ. Điểm này rất khác với chương trình đào tạo trước đây của chúng ta bởi do hạn chế về chi phí đầu tư, số lượng thiết bị thực hành ít, nhiều sinh viên phải dùng chung một bộ thực hành”.
Trong quá trình học, ngoài sự giảng dạy trực tiếp của các giảng viên người Việt Nam còn có sự tham gia đào tạo, hướng dẫn từ các chuyên gia nước ngoài, các suất học bổng cho sinh viên, bồi dưỡng giảng viên từ các trường nước ngoài có ý nghĩa quan trọng.
“Dù đã tiếp cận với chương trình đào tạo được chuyển giao từ Học viện Chisholm trước đó và đang truyền đạt, hướng dẫn cho sinh viên theo đúng chương trình, nhưng sự có mặt của các chuyên gia nước ngoài có nhiều ý nghĩa. Từ khi mở lớp tới nay, các chuyên gia Australia đã 3 lần về làm việc với các trường. Thông qua chuyến làm việc, nhất là khi tiếp xúc với các sinh viên, tìm hiểu về thuận lợi và khó khăn của các em, chuyên gia Australia đã tư vấn thêm về phương pháp giảng dạy phù hợp, điều mà nếu chỉ trao đổi qua email, chúng tôi khó mà tháo gỡ, giải đáp hết được”, anh Nguyễn Lê Công Minh, chia sẻ thêm.
Điểm chung dễ nhận thấy của các chuyên gia Australia là, họ quan sát rất kỹ cách sinh viên thực hành, góp ý ngay lập tức cho sinh viên; đồng thời yêu cầu toàn bộ sinh viên phải có cơ hội thực hành tốt nhất. Vì thế, dù mới chỉ tiếp cận với những bài học chuyên ngành đầu tiên song nhiều sinh viên đã bày tỏ ấn tượng với chương trình đào tạo trình độ quốc tế.
Em Tăng Thị Thu Vân (sinh viên nghề công nghệ sinh học tại Trường CĐ Cơ điện-Xây dựng và Nông lâm Trung bộ) cho biết: Học theo giáo trình nước ngoài giúp người học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và nắm vững các kiến thức chuyên sâu về công nghệ. Bên cạnh đó, những tiết học đầu tiên trong chương trình chuyên ngành của chúng tôi là về an toàn trong phòng thí nghiệm. Ở đó nhấn mạnh: An toàn lao động và sức khỏe là một trong những tiêu chuẩn cốt lõi, buộc phải nắm vững trước khi học nghề.
LÊ PHƯƠNG