Trong những năm qua, các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá đã góp phần quan trọng làm đời sống văn hoá của nhân dân ngày càng phong phú. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống được phát huy, hình thành nhiều chuẩn mực văn hoá, đạo đức mới. Xã hội hoá hoạt động văn hoá ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hoá; bảo tồn, tôn tạo nhiều di sản văn hoá; sưu tầm, phục dựng phong tục, tập quán tốt đẹp…
Tuy nhiên, các phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hoá còn chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả hạn chế. Kết quả công nhận các danh hiệu văn hoá chưa phản ánh thực chất phong trào, còn chạy theo thành tích, chỉ tiêu. Có sự chồng chéo về nội dung, danh hiệu thi đua của các phong trào, cuộc vận động ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư.
Đơn cử, trên cùng một địa bàn xã, cùng thời điểm phải tiến hành bình xét để công nhận 3 danh hiệu khác nhau cho 3 phong trào; một địa bàn dân cư có nhiều danh hiệu do một cơ quan công nhận; cùng một đối tượng vận động (cá nhân, hộ gia đình) lại có nhiều danh hiệu khác nhau…
Thực trạng này đặt ra yêu cầu đổi mới việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động theo hướng lồng ghép, thống nhất các nội dung, tiêu chí xác định danh hiệu, hình thức khen thưởng…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, hiện nay các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá không chỉ chồng chéo mà xét chọn, công nhận các danh hiệu cũng quá hình thức. Dẫn đến tình trạng gia đình văn hoá, làng văn hoá nhưng vẫn còn tệ nạn, trật tự an ninh không tốt, rác thải vẫn vứt bừa bãi….
“Các tiêu chí công nhận danh hiệu văn hoá cần đủ chi tiết, đủ cụ thể. Hình thức, cách thức khen thưởng phải trang trọng, xứng đáng. Nhân đây cần rà soát các tiêu chí công nhận danh hiệu văn hoá vốn đang nặng về cơ sở vật chất, chưa chú trọng đến yếu tố văn hoá.
Ví dụ, chúng ta xây dựng nông thôn thôn mới, đầu tư cơ sở vật chất để lấy đà phát triển kinh tế, xã hội nhưng quan trọng hơn là nền tảng văn hoá, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chan hoà, có tình người”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Đại diện MTTQ Việt Nam, các bộ ngành tập trung thảo luận về những giải pháp nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại trong triển khai các phong trào, cuộc vận động văn hoá như cơ cấu chỉ đạo, điều hành đến quy trình, tiêu chí bình chọn, công nhận danh hiệu văn hoá.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho rằng hiện nay việc công nhận một số danh hiệu văn hoá có tiêu chí chưa rõ ràng, quy trình thủ tục dễ dãi, thậm chí buông lỏng dưới cơ sở. Vì vậy, Bộ VHTT&DL đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy định về quy trình, tiêu chí công nhận các danh hiệu văn hoá trên cơ sở tham khảo, lấy ý kiến các chuyên gia, địa phương trước khi ban hành.
Phó Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang bày tỏ quan điểm khi triển khai các phong trào thi đua phải có mục tiêu, đối tượng rõ ràng, quá trình triển khai có đôn đốc, giám sát, sơ kết, tổng kết. “Trong năm 2018, các bộ ngành cần rà soát, đánh giá, gom lại các phong trào bảo đảm tập trung nguồn lực, hiệu quả thực hiện. Mô hình Ban chỉ đạo càng xuống cơ sở càng nên gọn nhẹ không nên máy móc trên thế nào dưới cũng như vậy”.
Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Viết Chức, thành viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (MTTQ Việt Nam) đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta cứ duy trì mãi các phong trào, cuộc vận động văn hoá khi có đến 80-90% đối tượng tham gia đạt chuẩn.
“Ở nông thôn phong trào xây dựng nông thôn mới đang rất mạnh mẽ, hiệu quả. Nên chăng chúng ta cần tổng kết, đưa các phong trào, cuộc vận động văn hoá trở thành một phần tiêu chí của nông thôn mới. Danh hiệu văn hoá cũng vậy, ít nhưng phải chất lượng, phải danh dự thực sự, đi vào chiều sâu, thiết thực”, ông Chức nói và đề xuất 3 danh hiệu: xã nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; gia đình tiêu biểu.
Từ các ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam thống nhất cao với kiến nghị chỉ thành lập một ban chỉ đạo thực hiện các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá; rà soát, thống nhất các tiêu chí công nhận danh hiệu văn hoá tránh tình trạng “bình quân chủ nghĩa” với 3 danh hiệu chính dành cho gia đình; xã; phương, thị trấn.
“Việc sáp nhập thành một ban chỉ đạo thống nhất cần trên tinh thần Trung ương làm trước, rồi hướng dẫn cho các địa phương. Trong cơ cấu ban chỉ đạo, MTTQ giữ vai trò tổ chức, chỉ đạo, vận động cùng sự sát cánh của chính quyền, địa phương”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
chính phủ