Phát biểu tại buổi Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, sáng nay (4/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 nhằm thảo luận, đánh giá tình hình KT-XH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định, trong điều kiện khó khăn do tác các động của tình hình thế giới, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp... tình hình KT-XH nước ta trong tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng năm 2023. Những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm, tạo điều kiện tập trung điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ thúc đẩy tăng trưởng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; giá trị tăng thêm quý II ước tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 3,07%. Sản xuất công nghiệp dần được cải thiện so với quý trước; giá trị tăng thêm quý II ước tăng 1,56% so với cùng kỳ năm trước (quý I là giảm 0,75%), trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,18% (quý I là giảm 0,49%).
Dịch vụ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng góp gần 80% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế 06 tháng đầu năm. Giá trị tăng thêm quý II tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 6,33%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 8,7% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng tăng 10,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022. Khách quốc tế 6 tháng đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, tình hình KT-XH còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức; trong đó, cần lưu ý 3 nhóm vấn đề lớn: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, cần nỗ lực hơn; tình hình kỷ luật kỷ cương có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 470/CĐ-TTg, số 469/CĐ-TTg, số 238/CĐ-TTg, Chỉ thị số 22/CT-TTg...; triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp đã ban hành để thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền; kịp thời phản ứng chính sách trước các tình huống mới phát sinh; đẩy mạnh các giải pháp trong trung và dài hạn, thực hiện 3 đột phá chiến lược,...
Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn.
Ngoài ra, kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng.
Chủ động rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại; phối hợp xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp trên địa bàn; nghiên cứu, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đời sống người lao động phù hợp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.