Những năm qua, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo đầu tư và hỗ trợ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển KT-XH, nhất là quan tâm đến chính sách dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong vùng đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển KT-XH. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững do các yếu tố chủ quan và khách quan đan xen, làm giảm hiệu quả của các chương trình, chính sách. Một số tồn tại, bất cập còn tồn tại trong khu vực như: tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS khá cao (dân số DTTS chiếm khoảng 8% dân số toàn vùng nhưng tỉ lệ hộ nghèo DTTS chiếm tới 19,93% tổng số hộ nghèo toàn vùng); cơ sở hạ tầng, tư liệu sản xuất còn thiếu và yếu; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS chưa phát huy hiệu quả; tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mặt trái của cơ chế thị trường…
Xuất phát từ thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào DTTS nêu trên, cần phải có những chính sách ưu đãi riêng nhằm tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo, tiến tới đảm bảo đời sống ổn định, phát triển bền vững toàn vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng DTTS nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Do đó, công tác xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS nghèo vùng ĐBSCL là rất cần thiết. Dự kiến, chính sách sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như: hỗ trợ đất ở; hỗ trợ nhà ở; nước sinh hoạt; hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề; và chính sách vay vốn phát triển sản xuất…
Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung liên quan như: tên gọi, hồ sơ xây dựng, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các căn cứ pháp lý, thực trạng các chính sách đang triển khai cho vùng, đánh giá tác động của chính sách, các chính sách trọng tâm và thời gian, nguồn lực triển khai chính sách…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đánh giá cao các nội dung dự thảo, tài liệu đã được chuẩn bị cho phiên họp. Về trọng tâm xây dựng chính sách, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh cần bám sát các văn bản hướng dẫn, trọng tâm nhằm phát huy tinh thần tự lực, chủ động, phấn đấu vươn lên của đồng bào DTTS trong khu vực, giảm chính sách cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng. Không cần phải xây dựng nhiều nội dung mà cần chính sách đặc thù, trọng tâm, có đầy đủ nguồn lực triển khai, phải làm bằng được và tạo sự chuyển biến thực chất.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải yêu cầu các ý kiến thảo luận của các đại biểu cần được tổng hợp, nghiên cứu một cách đầy đủ để hoàn thiện bộ Hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định và đề nghị các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đến từ các bộ, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với UBDT để triển khai các nội dung được phân công, sớm phúc đáp các văn bản theo kế hoạch.
( cema.gov.vn)