Di sản kỳ diệu của tiền nhân
Đến nay, không ai biết kinh phật ghi chép trên lá buông có xuất xứ từ thời điểm nào, được phát triển ra sao. Nhưng theo người xưa truyền kể, khi chưa có tập vở, ông cha ta đã suy nghĩ, tìm tòi nhiều cách để lưu trữ thông tin lại cho thế hệ sau.
Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết: Lá buông là loại “giấy” thần kỳ, có thể viết chữ được, không bị mối mọt, không phai nét chữ, rất hữu ích trong việc bảo quản lâu dài. Thời điểm ấy, kinh lá buông phát triển mạnh mẽ, ngôi chùa nào cũng có hàng chục, hàng trăm quyển kinh như thế này. Tuy nhiên, do chiến tranh, cộng với sự thay đổi nhiều đời sư sãi, kinh lá buông bị thất lạc nhiều. Thậm chí, số lượng chùa còn giữ kinh lá buông chỉ còn đếm trên đầu ngón tay...
Hòa thượng Chau Ty, trụ trì chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), là nghệ nhân duy nhất còn thực hiện được nét bút tài hoa ấy. Vừa thực hiện các công đoạn “ghi chép” trên lá buông, Hòa thượng Chau Ty vừa giảng giải: “Khắc chữ trên lá buông là một việc làm rất khó khăn và cần nhất là ý chí kiên nhẫn”.
Theo hòa thượng Chau Ty, đầu tiên, người thực hiện phải dùng một vật dụng bằng gỗ căng nhiều dây (như dây đàn, gọi là “thước”), chà mực lên rồi áp xuống lá buông, khẽ búng nhẹ để mực dính vào lá. Đó là “đánh hàng”. Người thực hiện phải cẩn thận, khéo léo, không để mực văng ra xung quanh hoặc vón cục. Khi búng xong, trên lá buông xuất hiện những hàng kẻ thẳng tắp.
Công đoạn quan trọng tiếp theo chính là khắc chữ. Nghệ nhân phải tìm chỗ ngồi thoải mái, có thể dựa lưng vào gần cửa sổ để ánh sáng chiếu rõ, đặc biệt là phải yên tĩnh. Họ sử dụng một loại bút bằng gỗ nhọn (gọi là đek-cha), tỉ mẩn khắc từng nét chữ trên lá. Những nét chữ Pali hoặc chữ Khmer cổ được các sư cẩn thận, tỉ mỉ, chăm chút sao cho thẳng hàng, ngay lối và đẹp mắt. Sau khi khắc xong một mặt, họ dùng than pha với dầu ăn quệt lên, rồi lau sạch. Than sẽ “ăn” vào lá, tạo thành một chữ đen, rất khó phai...
Trong lúc khắc chữ, nghệ nhân hoàn toàn thả hồn vào công việc, không màng chuyện xung quanh. Ông Chau Chênh (ngụ xã Cô Tô, huyện Tri Tôn), một người từng tham gia viết kinh lá buông cho biết thêm: “Một ngày, nếu nhanh lắm thì nghệ nhân chỉ viết được 2-5 tấm lá. Nếu bất cẩn không tập trung một phút giây thôi, nét chữ bị sai thì cả tấm lá đành phải vứt bỏ. Chính vì thế, để chép xong một bộ kinh có thể mất hàng tháng trời, vì mỗi bộ kinh có độ dài từ 20-60 lá. Người mới học khắc chữ như tôi lại càng mất thời gian nhiều hơn”.
Chung tay bảo tồn giá trị văn hóa
Theo Sở Nội vụ tỉnh An Giang, kinh lá buông là một loại tài liệu quý, đặc trưng của tỉnh An Giang. Các tài liệu này đang được bảo quản và sử dụng tại các chùa Khmer, tập trung ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (trên 100 bộ). Đây là một loại hình tài liệu rất độc đáo về vật liệu chế tác và chữ viết cổ.
Về nội dung, kinh lá buông thể hiện những lời dạy của đức Phật, những câu vè, câu chuyện dân gian, trò chơi dân gian gắn liền với văn hóa của đồng bào Khmer. Vì chủ yếu giảng giải giáo lý của đức Phật, khuyên bảo con người hướng thiện nên những bộ kinh lá buông mang giá trị văn hóa vô cùng độc đáo, chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như: Lễ Phật đản, lễ dâng bông, lễ dâng y cà sa, lễ cúng trăng, lễ cúng ông bà... của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.
Ở kinh lá buông, người ta nhận ra những nét đẹp dung dị trong tâm hồn người Khmer qua nhiều thế hệ, nhất là những lời Phật dạy được thấm nhuần và đi vào đời sống hằng ngày của họ.
Với nét văn hóa độc đáo và là sản phẩm vô giá trong tôn giáo Nam tông Khmer, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Xvay Ton là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh viết trên lá buông có tại Việt Nam. Năm 2015, hòa thượng Chau Ty được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú và tháng 3-2019 được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Nhân dân.
Điều lo lắng nhất hiện nay là việc không đủ nguyên liệu để khắc kinh. Lá buông không còn dễ tìm thấy như ngày trước, hoặc nếu có cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Hòa thượng Chau Sơn Hy kiến nghị: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bảo quản và nhân giống cây buông, làm dồi dào nguồn nguyên liệu cho việc tập huấn, đào tạo nghệ nhân khắc chữ, tiến tới phục hồi các bộ kinh trong hệ thống chùa Khmer. Theo tôi được biết, hiện tại có chùa đang trồng 4-5 gốc cây buông. Trong khi đó còn rất ít cây đủ khả năng sử dụng lá cho việc khắc chữ. Chúng tôi buộc phải tìm mua nguyên liệu từ các cánh rừng của Campuchia”.
Buông là một loại cây sống trên núi, hiện chỉ còn rải rác ở núi Tô, núi Dài, núi Cấm... tại tỉnh An Giang. Cây buông cao như cây thốt nốt, nhưng lá dài và dày hơn, có nhiều lớp như ván ép. Mỗi chiếc lá có thể cho thành 3 mảnh lá nhỏ để viết chữ, mỗi mảnh dài 5-6 tấc, chiều rộng 5 phân. Một điểm đặc biệt, cây buông sẽ chết nếu ra trái và 50 năm cây mới có hoa một lần.
Không chỉ bị mai một về các bản kinh lá buông, người chép kinh cũng dần thưa thớt. Giai đoạn trước đây, kỹ thuật viết kinh chỉ được chân truyền cho các đệ tử giỏi nhất nên không nhiều sư sãi biết được. Bây giờ, kinh lá buông cần được bảo tồn nên nhiều người có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật này.
Tháng 7-2014, lớp học dạy viết kinh trên lá buông đầu tiên được tổ chức tại chùa Soài So, do đích thân hòa thượng Chau Ty hướng dẫn, thu hút đông đảo sư sãi các chùa trong tỉnh về dự. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và khả năng để được truyền thụ đầy đủ tinh hoa của nghệ thuật này, nhưng họ đều cố gắng luyện tập, mong góp chút sức cùng giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, như cách ông Chau Chênh đang làm.