Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19vẫn là Mỹ với trên 33,7 triệu ca mắc và gần 601.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 20.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mỹ sẽ xuất khẩu 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 6 tới nhằm hỗ trợ các nước đẩy lùi dịch COVID-19. Quyết định trên đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chia sẻ số vaccine vốn chỉ được phép tiêu thụ nội địa cho các nước. Số vaccine trên sẽ bao gồm 20 triệu liều của các hãng Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson vốn trước đây chỉ được phép tiêu thụ nội địa tại Mỹ, cùng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên kế hoạch cung cấp cho các nước khác. Tổng thống Biden không nêu rõ những nước nào được ưu tiên sử dụng số vaccine trên, tuy nhiên cho biết sẽ phối hợp với chương trình COVAX trong việc phân phối.
Hiện chính quyền Tổng thống Biden đang phải chịu sức ép lớn trước những lời kêu gọi sử dụng số lượng vaccine dư thừa lớn trong nước để giúp các nước khác. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng Giám đốc WHO Tedros vừa lên tiếng cảnh báo, thế giới đã đi đến tình trạng "phân biệt trầm trọng về vaccine", không chỉ đối mặt với nguy cơ này nữa.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 18/5, nước này ghi nhận hơn 267.100 ca mắc mới COVID-19. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 ở mức hơn 25,4 triệu ca, đứng thứ hai thế giới về tổng số ca nhiễm, sau Mỹ. Cùng ngày, Ấn Độ báo cáo hơn 267.100 ca nhiễm COVID-19 mới, mức thấp nhất trong hơn 3 tuần qua, và trên 283.200 trường hợp tử vong.
Chỉ trong vòng một tháng qua, số ca mắc COVID-19 của Ấn độ đã tăng gấp 3 lần, còn số ca tử vong tăng gấp 6 lần, con số thể hiện sự tàn phá nặng nề của dịch bệnh. Trước tình hình này, Ấn Độ đã phát hành 2-DG, loại thuốc điều trị COVID-19 có khả năng giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn và giúp giảm phụ thuộc vào oxy bổ sung. Theo giới chức Ấn Độ, loại thuốc này giúp mang lại tia hy vọng mới cho đất nước ứng phó với tình trạng dịch hiện nay. Lô hàng đầu tiên gồm 10.000 liều thuốc 2-DG sẽ được bán ra thị trường trong tuần tới.
Theo Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, ít nhất 269 bác sĩ đã tử vong kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ hai tấn công Ấn Độ. Với con số này, trung bình có 20 - 25 bác sĩ Ấn Độ tử vong mỗi ngày. Hiện Ấn Độ đang bị thiếu trầm trọng nhân viên y tế tại các khoa điều trị tích cực. Trước tình hình trên, nhiều sinh viên y khoa Ấn Độ đã tốt nghiệp đại học tại Nga, Trung Quốc và Ukraine đã kêu gọi Chính phủ Ấn Độ cho phép họ tham gia cuộc chiến chống COVID-19 thay vì phải chờ được cấp phép hành nghề trong nước.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 71.700 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 439.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 15,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tượng Chúa Cứu thế ở Rio de janeiro của Brazil vào cuối tuần qua được thắp sáng với dòng chữ mang thông điệp đặc biệt: "Đoàn kết vì vaccine". Đây là sự kiện được Phong trào bình đẳng vaccine Brazil khởi xướng với sự hỗ trợ của Công ty quảng cáo Ogilvy nổi tiếng. Nội dung là kêu gọi sự bình đẳng vaccine trong bối cảnh là dịch bệnh đang tiếp tục lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới và những nước đang phát triển vẫn chật vật với nguồn cung vaccine hạn hẹp. Bản thân Brazil cũng đang trong tình trạng thiếu vaccine, trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn là hàng chục nghìn trường hợp.
Từ ngày 19/5, Pháp đã bắt đầu nới lỏng hạn chế sau 6 tuần phong tỏa. Tất cả cửa hàng, bao gồm cả các cửa hàng không thiết yếu, trung tâm mua sắm lớn được phép mở cửa trở lại, quy mô 8 m2/khách hàng. Các bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim và phòng hòa nhạc, không gian ngoài trời tại các quán cà phê và nhà hàng cũng được mở cửa với 50% công suất, giới hạn 6 người/bàn.
Trong những ngày qua, số ca bệnh phải điều trị tích cực tại Pháp đã giảm xuống. Chương trình tiêm chủng cũng được đẩy mạnh đã tạo đà cho Pháp thúc đẩy mở cửa trở lại. Đến nay, hơn 20 triệu người dân, tương đương 30% dân số Pháp đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Tình hình dịch COVID-19 tại một số nước Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp, buộc chính quyền nhiều nước thắt chặt các biện pháp kiểm soát. Từ ngày 18/5, 30/34 tỉnh, thành phố của Indonesia tiếp tục thực hiện lệnh hạn chế hoạt động dự kiến sẽ được kéo dài đến hết tháng 5. Riêng 4 tỉnh còn lại là Maluku, Tây Sulawesi, Bắc Maluku và Gorontalo không phải thực hiện do tỷ lệ lây nhiễm thấp.
Đây là biện pháp mới nhất của Indonesia nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát đỉnh dịch mới tại nước này sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, nhiều người dân về quê bất chấp lệnh cấm đi lại của Chính phủ. Theo thống kê mới nhất, trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm gần 4.200 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên hơn 1,74 triệu trường hợp, trên 48.400 bệnh nhân đã tử vong.
Từ ngày 18/5, Indonesia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 do doanh nghiệp tài trợ. Theo đó các công ty tư nhân có thể mua vaccine và cung cấp cho người lao động cũng như người nhà của họ. Mục tiêu là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng của Indonesia. Cụ thể, từ tháng 8 hoặc muộn nhất là tháng 9 tới, Indonesia có thể tiêm chủng cho khoảng 70 triệu người. Đến nay, Indonesia đã tiêm phòng cho khoảng 14 triệu người, trong đó 9 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Vaccine Sinopharm của Trung Quốc là vaccine đầu tiên được Indonesia cấp phép cho chương trình tiêm chủng tư nhân. Còn về chương trình tiêm chủng của Chính phủ, Indonesia đã phê duyệt vaccine Sinovac của Trung Quốc, Novavax và Pfizer của Mỹ và AstraZeneca của Anh.
Tại Singapore, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong những ngày qua, nước này đang tính đến việc điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine. Theo đó, Singapore sẽ tập trung vaccine để ưu tiên tiêm cho càng nhiều người càng tốt, dù chỉ là 1 mũi tiêm. Để làm được điều này, Singapore sẽ tăng thời gian tiêm mũi thứ 2 lên 6 đến 8 tuần, thay vì 4 tuần như hiện nay. Điều này được cho là không ảnh hưởng đến hiệu quả của vvaccine. Đến nay, đã có 1/4 dân số Singapore được tiêm đủ 2 liều vaccine và có ít nhất 1/3 dân số đã được tiêm ít nhất 1 mũi.
Việc đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin được xem là yếu tố quan trọng để Singapore ứng phó tình hình dịch COVID-19 hiện nay. Ngày 17/5, nước này tiếp tục ghi nhận 21 ca nhiễm cộng đồng mới, trong đó có 11 ca chưa rõ nguồn gốc. Đến nay, Singapore báo cáo trên 61.600 ca mắc COVID-19, bao gồm 31 trường hợp thiệt mạng.
Ngày 18/5, Malaysia thông báo 4.865 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 31/1 và cũng là số ca nhiễm mới trong một ngày cao thứ 4 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Nước này cũng ghi nhận 47 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 18/5.
Quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah cho biết, bang Selangor tiếp tục là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày nhiều nhất cả nước với 1.743 ca. Đến nay, Malaysia xác nhận tổng cộng trên 479.400 trường hợp mắc và gần 2.000 ca tử vong vì COVID-19.
Thủ tướng Lào đã yêu cầu mua thêm vaccine và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến chiều 17/5 bàn về công tác phòng chống COVID-19, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan tìm kiếm nguồn cung và mua thêm vaccine để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia, coi đây là ưu tiên hàng đầu và cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Bộ Y tế Lào chiều 18/5 cho biết, nước này ghi nhận 49 ca nhiễm mới, trong đó trừ 15 ca nhập cảnh và được cách ly ngay tại tỉnh Champasak, số còn lại đều là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi thủ đô Vientiane chỉ có 8 ca mắc mới, tỉnh Bokeo tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh khi ghi nhận 26 trường hợp, trong đó có 25 người được phát hiện tại huyện Ton Pheung, nơi có đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, nâng tổng số người nhiễm tại tỉnh này từ ngày 22/4 đến nay lên 310 người, chủ yếu được phát hiện tại Ton Pheung. Hiện Lào ghi nhận tổng cộng 1.687 ca nhiễm, trong đó 686 người đã khỏi bệnh và 2 ca tử vong.
Ngày 18/5, Campuchia đắt bắt đầu tiêm vaccine cho người dân tại thủ đô Phnom Penh. Mục tiêu là đẩy nhanh quá trình tiêm chủng trước khi số ca nhiễm và tử vong gia tăng do virus SARS-CoV-2. Vaccine được sử dụng là vaccine Sinovac của Trung Quốc. Campuchia có kế hoạch tiêm vaccine cho ít nhất 10 triệu người trong tổng số 16 triệu dân số.
Campuchia trong ngày 18/5 đã ghi nhận 345 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên gần 22.900 người, trong đó có 156 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, Nhật Bản thông báo áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn trong kiểm soát nhập cảnh từ Bangladesh, Maldives và Sri Lanka. Quy định được đưa ra khi những nước này đang gia tăng số ca nhiễm virus biến thể mới phát hiện tại Ấn Độ. Cụ thể, những người nước ngoài thường trú tại Nhật có lịch sử đi đến Bangladesh và Maldives sẽ bị cấp nhập cảnh trong thời gian này, trừ khi thuộc trường hợp đặc biệt. Công dân Nhật Bản đi du lịch từ 3 quốc gia đó và người nước ngoài thường trú tại Nhật Bản đến từ Srilanka sẽ phải cách ly tại 1 cơ sở do Chính phủ chỉ định trong 6 ngày. Các quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5.