Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hơn 1.500 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hoàng Quý - 12:17, 20/05/2024

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tại phiên họp
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tại phiên họp

Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được 63/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố; 37/63 báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội; 23 báo cáo của các tổ chức thành viên; 16 ý kiến, kiến nghị của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với tổng số 1.502 lượt ý kiến.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao tổng sản phẩm trong nước quý I/2024 tăng trên 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, là năm cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam. 

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng: Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, vé máy bay tiếp tục tăng; tiêu thụ nông, lâm, thủy sản còn khó khăn, kinh tế du lịch phục hồi chưa vững chắc, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận ngành Giáo dục và Đào tạo đã chú ý, lắng nghe các ý kiến đa chiều để đổi mới, điều chỉnh cơ chế, chính sách, bổ sung thêm biên chế. Song cử tri và Nhân dân vẫn còn lo lắng, băn khoăn nhu cầu của học sinh học ở các trường công cao nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế; dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu tạo việc làm cho người đến tuổi lao động, nhất là thanh niên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao ngành Y tế đã có nhiều cố gắng, tích cực tham mưu để hoàn thiện thể chế; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn còn lo ngại về tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở còn thấp, vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn bất cập, chưa thực sự là nguồn bảo đảm chính cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cho rằng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trên không gian mạng, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn cao.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Cử tri và Nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân, tổng hợp, phân tích, tiếp thu hoàn thiện, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Ghi nhận sự cố gắng của ngành Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã chủ động, tích cực hơn trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực miền núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; mưa bão gây sạt lở đất ở vùng núi, ven sông, suối ở vùng Tây Bắc…

Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức nhất là trong các tầng lớp Nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc”, “bôi nhọ” làm giảm sút uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội… vì đây là bộ phận cư dân khó khăn nhất hiện nay.

Đồng thời tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, vì thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt. Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho Nhân dân và đảm bảo cho sản xuất ở một số vùng khó khăn, như: ở vùng núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để bảo đảm đời sống của Nhân dân…

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024…

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Gia Lai: Bồi dưỡng chuyên môn truyền dạy văn hoá phi vật thể cho các nghệ nhân Gia Rai

Trong 2 ngày (19 và 20/11), tại huyện Ia Grai (Gia Lai), Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Lớp “Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hoá phi vật thể” và “Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng”.