Phát biểu với 50 hội viên tham dự, Chủ tịch VSV Anjuska Weil đã tổng kết các hoạt động của hội trong thời gian qua. Theo đó, dấu ấn nổi bật nhất trong các hoạt động của VSV giai đoạn 2017-2018 là việc khởi động và những bước phát triển đầu tiên nhiều hứa hẹn của trường Bình Minh, Trường dạy tiếng Việt đầu tiên tại Thụy Sĩ, dành cho các em học sinh gốc Việt đang sinh sống tại khu vực thành phố Zurich, miền Đông Bắc Thụy Sĩ.
Đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, trường Bình Minh đã ghi nhận những kết quả đầu tiên đầy tích cực, với số lượng học sinh tăng gấp đôi so với những ngày đầu thành lập.
Bà Anjuska Weil bày tỏ mong muốn với số lượng hơn 30 em học sinh đang theo học ở các lớp Việt ngữ của trường, Bình Minh sẽ tiếp tục đóng góp để gìn giữ, phát huy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ người gốc Việt tại Thụy Sĩ.
Bên cạnh những đóng góp vào sự phát triển đầy hứa hẹn của Trường Việt ngữ Bình Minh, VSV còn tích cực tổ chức, thực hiện các chương trình giao lưu, từ thiện hướng tới người dân Việt Nam.
Điển hình trong số các chương trình kể trên là chuyến thăm quan, giao lưu của 8 thành viên VSV tại Việt Nam, diễn ra trong 3 tuần của tháng 10/2017.
Nhân dịp này, các thành viên VSV cũng đã chuyển 3.000 USD trong khuôn khổ chương trình tín dụng nhỏ của hội tới trợ giúp những người cao tuổi có đời sống khó khăn tại TP. Huế.
Tháng 11/2017 được đánh dấu với sự kiện truyền thống của VSV mang tên “Ngày đoàn kết” với hơn 6.000 Franc Thụy Sĩ (hơn 6.000 USD) tiền quyên góp để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lụt tại Việt Nam.
Đáng chú ý, VSV thường xuyên liên kết với tổ chức Vietnam les Enfants de la Dioxine (VNED) tổ chức nhiều dự án hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đặc biệt là trẻ em.
Bên cạnh các hoạt động kể trên, VSV còn tham gia cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ trong nhiều hoạt động hữu nghị và cộng đồng.
Tại hội nghị, đáp ứng quan tâm của các hội viên VSV, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phạm Hải Bằng đã điểm lại tình hình đáng chú ý tại biển Đông trong thời gian qua, cũng như các nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế...
Cuối cùng, Hội nghị thường niên của VSV dành phần lớn thời gian cho cuộc gặp gỡ với bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc da cam người Việt mang quốc tịch Pháp, đang đứng đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ từng tham gia sản xuất, cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc da cam/dioxine sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Bà Trần Tố Nga cho biết vụ kiện kéo dài hơn 3 năm qua đang ngày càng nhận được sự ủng hộ và quan tâm không phải chỉ ở Việt Nam hay Pháp, mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Bà Trần Tố Nga cũng cho biết bản thân bà đã và đang có nhiều cơ hội gặp gỡ, chia sẻ về vụ kiện với các cá nhân và tổ chức tại nhiều quốc gia, quan tâm tới các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, như cuộc trao đổi ngày 16/6 này với các thành viên VSV.
VSV được thành lập năm 1982, quy tụ hàng trăm bạn bè người Thụy Sĩ ở các thế hệ khác nhau, quan tâm tới Việt Nam.
Hiện nay, hội có hơn 100 thành viên đóng góp thường xuyên cho các hoạt động giao lưu với người dân ở nhiều địa phương tại Việt Nam.
TH