Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông lần thứ II năm 2024

Ngọc Chí - 15:22, 28/11/2024

Ngày 28/11, đã chính thức diễn ra Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào Xơ Đăng lần thứ II năm 2024 huyện Tu Mơ Rông. Đây là 1 trong 5 sự kiện do huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tổ chức, nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024.

Ban tổ chức tặng cờ và hoa các đội tham gia Hội thi
Ban Tổ chức tặng Cờ lưu niệm và hoa các đội tham gia Hội thi

Tham gia Hội thi cồng chiêng, xoang có 11 đội của 11 xã trên địa bàn huyện. Mỗi đội có khoảng 25 người, bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Hội thi diễn ra trong 2 ngày 28,  29/11.

Tại Hội thi, 11 đội sẽ có thời gian không quá 35 phút để trình diễn bài thi. Bài thi gồm 5 phần thi liên hoàn. Trong đó, ở phần mở đầu, các đội sẽ tự thuyết minh về nét đẹp truyền thống đồng bào Xơ Đăng; các chính sách tự đào tạo, truyền dạy cồng chiêng và thành quả trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng mà địa phương đã làm được trong năm qua.

Đội thi đến từ xã Măng Ri tái hiện lại Lễ mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng
Đội thi đến từ xã Măng Ri tái hiện lại Lễ mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng

Tiếp đó, các đội thi sẽ tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm bản sắc, hơi thở cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng; trình diễn các bài cồng chiêng gắn liền với múa xoang; trình diễn các tiết mục dân ca truyền thống; chỉnh âm cồng chiêng.

Ban Tổ chức sẽ chấm, trao giải cho các hạng mục giải thưởng cồng chiêng, xoang; giải thưởng chỉnh âm cồng chiêng và giải thưởng trình diễn làn điệu dân ca.

Với sự chuẩn bị chu đáo, các đội đem đến Hội thi những tiết mục ấn tượng
Với sự chuẩn bị chu đáo, các đội đem đến Hội thi những tiết mục ấn tượng

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: Huyện Tu Mơ Rông có hơn 95% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Đây là một kho tàng văn hóa vô cùng độc đáo, quý giá. Trong định hướng phát triển, huyện xác định, du lịch là một trong các hướng phát triển để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Để phát triển du lịch, bắt buộc phải bảo tồn nền văn hoá đồng bào dân tộc Xơ Đăng. 

Những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách để bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng và đặc biệt là triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), huyện đã triển khai hỗ trợ cồng chiêng cho các thôn, làng; tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng; đưa cồng chiêng vào trường học; tổ chức các hội thi để giao lưu, học hỏi lẫn nhau. 

Nhờ đó, từ chỗ cồng chiêng đối diện nguy cơ mai một, nay đã có lớp trẻ tài năng kế thừa; các điểm du lịch hút khách đến tham quan, đồng bào có thêm thu nhập.

Các đội thi tham gia trình diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng
Các đội thi tham gia trình diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Hội thi lần này trong mỗi đội thi có nhiều lứa tuổi tham gia, từ trẻ em đến người lớn. Họ đoàn kết, cùng say sưa biểu diễn những bài chiêng, điệu xoang, làn điệu dân ca mang đậm bản sắc dân tộc. 

Các bài thi tập trung vào tình yêu quê hương đất nước, yêu bản làng; lòng tự hào dân tộc; ca ngợi sự phát triển của đất nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi văn hóa đồng bào Xơ Đăng đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, chứng tỏ các chính sách bảo tồn văn hóa mà địa phương triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực. 

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai các giải pháp nhằm phát huy văn hóa đồng bào Xơ Đăng, giúp nền văn hoá độc đáo ở vùng đất cách mạng luôn được bảo tồn và phát triển rộng khắp.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.