Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng quan về nguồn nhân lực và một số gợi ý chính sách phát triển nguồn nhân lực DTTS hiện nay. Theo báo cáo, Việt Nam là quốc gia có 54 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống ổn định lâu đời, trong đó DTTS khoảng 13,4 triệu người chiếm 14,6% dân số cả nước. Hiện nay, có 56/63 thành phố, 463 huyện và 5.453 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo cộng đồng tại các thôn, buôn, bản, phum, sóc. Trong đó, 48,6% đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng trung du miền núi phía Bắc, khoảng 30% sống tại các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên…
Những năm gần đây, nguồn nhân lực DTTS tăng nhanh so với bình quân chung của cả nước. Đến nay, trình độ dân trí vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước đã được nâng lên đáng kể.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ một số một số vấn đề như, đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Việt Nam trên các mặt thể trạng, tầm vóc, tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn, lao động qua đào tạo, kỹ năng lao động, cơ hội việc làm, tham gia hệ thống chính trị, hôn nhân gia đình, đời sống, thu nhập, đói nghèo… Phân tích, làm rõ nguyên nhân, hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các dân tộc rất ít người, đồng bào khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Đánh giá hệ thống chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, tác động, hiệu quả của hệ thống chính sách đến việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở Việt Nam…
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã có đề xuất, ý kiến đến Quốc hội, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế, xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn tiếp theo và tổ chức thực hiện hiệu quả một số chính sách cụ thể liên quan đến phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.
Quang cảnh Hội thảo
Ngoài ra, Hội thảo cũng đã nghe nhiều báo cáo tham luận của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, nhà quản lý với nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Nhiều đại biểu nêu ý kiến, để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, công tác đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm. Các đại biểu cũng cho rằng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc phát triển vùng dân tộc thiểu số, nhưng vấn đề cốt lõi là phải phát huy được hiệu quả các chính sách này.
Lê Hường