Nhà văn Nông Viết Toại (sinh năm 1926) là người con của dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo hiếu học tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Tên khai sinh là Nông Đình Hân, năm nay bước vào tuổi 93. Trên chặng đường dài của cuộc đời, ông đã từng làm Bí thư huyện, từng kinh qua vai trò quản lý văn hóa: Trưởng đoàn Văn công Việt Bắc, Giám đốc Bảo tàng Việt Bắc, Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc…
Tham ra cách mạng từ năm 1945 và bắt đầu làm thơ, viết văn từ năm 1947, Nhà văn Nông Viết Toại được biết đến là một người đảng viên cộng sản kiên trung, là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Ông cũng là một trong những nhà văn thuộc thế hệ đầu tiên của văn học Bắc Kạn nói riêng và văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, ông đã có công đặt nền móng xây dựng nền văn học Bắc Kạn và văn học khu Việt Bắc, đặc biệt là văn học sáng tác bằng tiếng dân tộc Tày.
Các sáng tác của ông hầu hết hướng về công tác tuyên truyền, cổ động tinh thần Nhân dân làm cách mạng, điển hình như: Thể loại thơ: Đi bộ đội; Đông qua xuân tới; Truyện ngắn: Đoạn đường ngoặt.. Thơ bằng tiếng Tày: Khau Phja Việt Bắc; Việt Bắc boong hây… Văn xuôi: Bỏong tàng tập éo; Rại lóa vít pây…
Ngoài làm thơ, ông còn viết truyện ngắn, bút ký. Nhờ thành thạo cả tiếng nói và chữ viết dân tộc Tày, Nông Viết Toại đã dịch các tác phẩm tuyên truyền đến với bà con như: “Anh hùng nông nghiệp Hoàng Anh” (truyện ngắn, dịch năm 1954) hay dịch vở kịch “Đại biểu phụ nữ”... Không dừng lại ở đó, ông còn viết lời bài hát bằng tiếng Tày mang đến cho người dân những tiết mục giải trí thú vị.
Hội thảo đã đón nhận 11 bài tham luận từ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học. Các tham luận tại Hội thảo tiếp tục khẳng định sự đóng góp và công lao cùa Nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại đối với sự nghiệp văn học nghệ thuật của dân tộc, của nước nhà. Đồng thời đề xuất những giải pháp để lưu giữ, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi các sáng tác của Nhà văn Nông Viết Toại.
HOÀI DƯƠNG