Chủ trì Hội thảo có Gs.Ts. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn; PGs.Ts. Đoàn Triệu Long - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGs. Ts. Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Ngô Khắc Ngọc - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai.
Về phía tỉnh Gia Lai, có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh… cùng đại diện Người có uy tín trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn cho biết: Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III phối hợp với Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức các Hội thảo, với những chủ đề rất thiết thực, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra không chỉ đối với tỉnh Gia Lai mà cả các tỉnh Tây Nguyên.
Việc tổ chức Hội thảo khoa học là diễn đàn khoa học để trao đổi, thảo luận và kiến nghị, đề xuất các giải pháp, định hướng chính sách nhằm phát huy vai trò của Người có uy tín trong thời gian tới; đây cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh những những đóng góp hết sức quan trọng của Người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai.
Ban Tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận và tuyển chọn 55 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III, từ các cơ quan nghiên cứu, các trường Chính trị; sở, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh Gia Lai và các địa phương vùng Tây Nguyên.
Hội thảo gồm 2 phiên: Phiên tham luận, thảo luận và Phiên thảo luận bàn tròn. Các phiên thảo luận xoay quanh các nội dung: Đặc điểm, tiêu chuẩn, yêu cầu và vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng dân cư; tầm quan trọng và các nhân tố ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; nội dung, cơ chế, phương thức phát huy vai trò của Người có uy tín trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
Cùng với đó, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra trong công tác vận động quần chúng, già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư nói chung và việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở nói riêng ở vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, khu vực nông thôn tỉnh Gia Lai; giải pháp và định hướng chính sách nhằm phát huy vai trò của Người có uy tín trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.
Qua đó, rút ra những vấn đề đặt ra trong việc phát huy vai trò của Người có uy tín trên nhiều phương diện: trong tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc; trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội...
Các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã đề xuất nhiều kiến nghị và giải pháp thiết thực, có tính thực tiễn cao như: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng, vai trò của Người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Tạo điều kiện thuận lợi để Người có uy tín thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương; hoàn thiện chế độ, chính sách đối với Người có uy tín; xây dựng, đào tạo đội ngũ Người có uy tín đủ phẩm chất, năng lực, nhất là khả năng giám sát, phản biện xã hội và vận động Nhân dân ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng cho đội ngũ Người có uy tín.
Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Đảng, chính quyền và Người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc, công tác vận động quần chúng các cấp…
Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và đề xuất kiến nghị với các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên về các giải pháp đột phá nhằm phát huy vai trò của Người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh trong bối cảnh mới.