Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thúy Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, UBDT (đơn vị thường trực xây dựng Đề án) trình bày một số nội dung tiếp thu, chỉnh sửa so với bản dự thảo trước như: bố cục, kết cấu lại một số mục; phân tích sâu hơn các yếu tố tác động đến chất lượng dân số, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách tác động và các giải pháp triển khai…
Thảo luận tại Hội thảo, đa số các đại biểu đồng thuận cao với dự thảo Đề án. Một số ý kiến cho rằng: cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 21-NQ-TƯ ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới để xây dựng Đề án; cô đọng hơn các nội dung giới thiệu, thông tin chung để tập trung cho phần giải pháp, tổ chức thực hiện; cập nhật các số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê; xem xét một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; phương án huy động và phân bổ nguồn lực triển khai Đề án; xây dựng chính sách theo hướng tránh chồng chéo, đảm bảo nguồn lực, với các mô hình cụ thể, phù hợp với từng dân tộc, từng vùng, miền…
Đánh giá cao các ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông yêu cầu Ban soạn thảo Đề án tiếp thu các ý kiến góp ý và đề nghị: làm rõ đánh giá tác động của Đề án với các chính sách hiện hành, đặc biệt là chính sách dân số; các số liệu của Đề án cần sử dụng kết quả điều tra và cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê; dự thảo cần rút gọn các nội dung giới thiệu chung để tập chung vào mục tiêu, nhóm giải pháp và các hoạt động cụ thể; cần tính toán để đảm bảo nguồn lực, tính khả thi trong triển khai Đề án…
( cema.gov.vn )