Nước ta có 53 DTTS với 3,04 triệu hộ tương đương 13,38 triệu người cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh, Đảng và Nhà nước ta xác định vùng DTTS và các khu vực trên là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, về tổng thể thực trạng kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi đang còn rất nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế. Do vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế-xã hội ĐBKK giai đoạn 2021-2030 là hết sức cần thiết; qua đó, xác định các mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện, từng bước thu hẹp khoảng cách với các vùng phát triển.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sát với thực tiễn vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK như, trong quá trình ban hành các chính sách cho vùng DTTS, Đảng và Nhà nước cần đồng thời bố trí đủ nguồn lực; Đề án cần tham khảo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trung hạn và dài hạn của các địa phương để tránh chồng chéo và sát với thực tế hơn; Đề án cần đưa vấn đề văn hóa vào trong mục tiêu cụ thể để bảo tồn và phát triển những nét đặc sắc, tinh hoa văn hóa của đồng bào các DTTS…
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành được Đề án là rất cần thiết; là nhiệm vụ trọng tâm của UBDT, của những người làm công tác dân tộc. Đề án thực hiện hiệu quả sẽ cơ bản giải quyết được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc hiện nay. Theo đó, thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng ĐBKK phát triển nhanh và bền vững; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc... nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước.
TRỌNG BẢO