Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hội thảo góp ý Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi

PV - 15:00, 28/06/2019

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo tham vấn nội dung “Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế-xã hội ĐBKK giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án tổng thể). Hội thảo có sự tham dự của đại diện các ban, bộ ngành Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng và ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách (UBDT)-Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án đồng chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng cho biết: Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ, UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai xây dựng Đề án tổng thể. Sau khi dự thảo Đề án tổng thể hoàn thành, UBDT đã tổ chức nhiều hội thảo tham vấn, lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học về nội dung Đề án.

Tính đến nay (trước khi diễn ra Hội thảo tham vấn ngày 28/6/2019), theo thống kê của UBDT, đã có hơn 1.300 đại biểu tham gia các hội thảo góp ý vào nội dung Đề án tổng thể. Những ý kiến góp ý của đại biểu tại các hội thảo đã được Ban soạn thảo Đề án tổng hợp, chắt lọc để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung Đề án tổng thể.

Tại Hội thảo ngày 28/6, sau khi nghe ông Hà Việt Quân, Phó Vụ trưởng-phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế (UBDT) trình bày tóm tắt nội dung Đề án tổng thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện trong nội dung Đề án.

 Các đại biểu đều thống nhất nhận định, việc ban hành Đề án tổng thể là rất cần thiết; khi được phê duyệt sẽ tạo đột phá cho sự phát triển vùng DTTS và miền núi, vùng có kinh tế-xã hội ĐBKK; góp phần nhìn nhận vị thế và giá trị của cộng đồng DTTS trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và phát triển bền vững cho cộng đồng các DTTS nói riêng.

Toàn cảnh Hội thảo. Toàn cảnh Hội thảo.

Góp ý vào nội dung Đề án tổng thể, ông Nguyễn Văn Anh, cán bộ Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, đại diện Nhóm công tác về DTTS, cho rằng, với tên gọi là Đề án tổng thể, nếu được thiết kế tốt sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc rất lớn trong giảm nghèo giai đoạn vừa qua. Đó là sự chồng chéo về chính sách, thiếu sự nhất quán về quy trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá và thanh quyết toán. Đề án tổng thể cũng đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính đổi mới; đề xuất nhiều chính sách, cơ chế cho vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế-xã hội ĐBKK giai đoạn tới.

Tuy nhiên, ông Anh cho rằng, nội dung Đề án tổng thể vẫn còn mang tính dàn trải, vẫn đề xuất tiếp tục thực hiện những chính sách cũ, đồng thời dự kiến sẽ ban hành thêm 11 Nghị đinh/chính sách mới… Theo ông Anh, Đề án tổng thể nên tích hợp toàn bộ các chính sách mới và cũ vào 11 Nghị định/chính sách mới dự kiến ban hành; trong đó phải đưa ra những giải pháp, cơ chế rất đặc thù để thực hiện. Đồng thời, Đề án tổng thể cũng phải nêu bật được các nguyên nhân cốt lõi của hiện trạng, khó khăn của đồng bào DTTS, từ đó làm cơ sở để xây dựng nội dung các chính sách phù hợp.

Còn ông Nguyễn Tiến Phong, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng, làm thế nào để tăng trưởng vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế-xã hội ĐBKK; làm thế nào để người dân ở khu vực này cùng tham gia, thụ hưởng nguồn lực để phát triển bền vững… là những vấn đề phải được đặt ra trong Đề án tổng thể.

Bà Trương Thị Thủy, đại diện Mạng lưới vì tiếng nói người DTTS phát biểu tại Hội thảo. Bà Trương Thị Thủy, đại diện Mạng lưới vì tiếng nói người DTTS phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phong nhấn mạnh, vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế-xã hội ĐBKK hiện vẫn đang tăng trưởng dựa vào các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; những chính sách này mới chỉ giúp vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế-xã hội ĐBKK không tụt hậu quá xa chứ chưa tạo ra tính đột phá để theo kịp các vùng miền khác. Do đó, Đề án tổng thể phải thực hiện được nhiệm vụ như một chương trình chung của đất nước (như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới hay Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững-Pv)…

Hội thảo tham vấn ghi nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung Đề án tổng thể. Đáng chú ý, nhiều ý kiến tâm huyết đề xuất với Ban soạn thảo cần chú ý xây dựng những chính sách hỗ trợ đặc thù hướng tới các nhóm yếu thế trong cộng đồng các DTTS; trong đó có vấn đề bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ DTTS (ý kiến của đại diện Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi);cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo dục, hướng nghiệp cho trẻ em DTTS (ý kiến đại diện Cơ quan Liên hiệp quốc về phụ nữ và bình đẳng giới); xây dựng chính sách theo hướng không tạo tâm lý để người dân-đặc biệt là đồng bào 16 DTTS rất ít người hiểu rằng “được cho” mà phải để người dân tự lực, tự cường để phát triển bền vững (ý kiến đại diện Mạng lưới tiên phong vì tiếng nói người DTTS);…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBND Phan Văn Hùng thay mặt UBDT và thành viên ban xây dựng Đề án cảm ơn các đại biểu và khẳng định ý kiến phát biểu của 22 đại biểu là những ý kiến, sáng kiến thiết thực góp ý cho nội dung Đề án. UBDT sẽ sớm hoàn thiện Đề án để trình Chính Phủ thời gian tới.

HÀO HIỆP

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.