Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết: Công tác dân tộc thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng, KT-XH được xây dựng đồng bộ hơn, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, dân số, văn hóa có bước phát triển mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích to lớn đã đạt được, vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải được quan tâm giải quyết để đạt mục tiêu bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa giữa các dân tộc và giúp nhau cùng phát triển, đó là: Thu nhập bình quân của hộ DTTS hiện nay chỉ bằng 40-50% thu nhập bình quân chung của cư dân trong khu vực, đồng bào DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tỷ lệ nghèo chiếm trên 63,35%, nhiều tỉnh chiếm trên 90%. Về giáo dục, hiện vẫn còn 21% người trên 15 tuổi trở lên chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt 6%...
Thực tế đó là nỗi trăn trở, day dứt đối với các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học, đặc biệt là cơ quan làm công tác dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến tin tưởng, Hội thảo sẽ tiếp thu được nhiều giải pháp, nhiều ý kiến quý báu của các nhà khoa học để làm cơ sở hoàn thiện Đề án Tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025và đến năm 2030 trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý một số giải pháp để xây dựng chính sách tổng thể phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi. Đáng chú ý, nhiều ý tập trung vào các vấn đề về giáo dục, y tế, việc làm, các vấn đề xã hội...
Tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến thay mặt các đồng chí chủ trì Hội thảo, UBDT và Ban xây dựng Đề án ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, các nhà khoa học. Bộ trưởng khẳng định, sẽ nghiên cứu, tiếp thu chắt lọc các ý kiến để từ đó bổ sung hoàn thiện Đề án.
Đề cập tới Đề án, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Thứ nhất, Đề án chủ yếu đề cập đến phát triển KT-XH nhưng tư tưởng chỉ đạo chung có tính chất xuyên suốt là nhằm mục đích hướng tới củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết hướng tới giải quyết hài hòa giữa các dân tộc giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Thứ hai, cần phải làm rõ và sâu sắc thêm một số khái niệm vùng đồng bào DTTS, chính sách dân tộc là gì? Để từ đó rà soát, xác định thật rõ phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh, xác định tính khả thi của các chỉ tiêu cụ thể; trọng tâm 3 giải pháp đột phá: Đột phá về giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững; đột phá về giáo dục đào tạo dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đột phá để tạo cơ hội phát triển.
Thứ ba, Đề án trình Chính phủ, Quốc hội để mong muốn tạo được sản phẩm đầu ra là Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi; Chương trình đặc thù ổn định đời sống, tạo sinh kế và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi
Với những ý nghĩa đó, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định, Hội thảo đã góp thêm sức để làm một việc có tính lịch sử về công tác dân tộc, chuẩn bị để Chính phủ thông qua trình Quốc hội lần đầu tiên ban hành một nghị quyết chuyên đề toàn diện về phát triển kinh tế xã-hộ vùng dân tộc, miền núi;đồng thời đóng góp thêm để Ban chấp hành trung ương tổng kết Nghị quyết 24 về công tác dân tộc.
HOÀI DƯƠNG