Nhưng với ý thức bảo tồn loài cây quý và có giá trị kinh tế cao của quê mình, nhiều năm trở lại đây người dân địa phương đã từng bước khôi phục, phát triển và giành lại vị thế của loài cây mà cha ông họ đã một đời gắn bó.
Thăng trầm “một đời cây”Theo Quốc lộ 1A đi về phía Tây khoảng 7km, thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong hiện ra với màu xanh đặc trưng của vùng đất gò đồi trù phú. Nơi đây, ngoài các mô hình gia trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp kết hợp trồng rừng kinh tế thì còn được biết đến là “thủ phủ” của cây thanh trà.
Ông Nguyễn Hòa, 62 tuổi, một trong những lão nông và là người tiên phong khôi phục, góp phần hồi sinh mạnh mẽ cho cây thanh trà ở Thượng Phước, trở nên sôi nổi khi nghe chúng tôi hỏi chuyện cây thanh trà. Ông kể, trong chiến tranh, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, làng quê Thượng Phước, vốn chỉ cách Thành Cổ Quảng Trị vài km cũng đã phải hứng chịu sự tàn phá vô cùng khốc liệt. Rất nhiều ngôi nhà, vườn cây, trong đó các vườn cây thanh trà quý ở Thượng Phước hầu hết đã bị bom đạn cày xới xơ xác. Sau ngày giải phóng, gia đình ông và nhiều dân làng bắt đầu di tản trở về quê.
Từ 3 cành giống thanh trà ban đầu được ông tỉ mẩn trồng, chăm sóc đến nay ông đã cải tạo và trồng gần 50 gốc thanh trà vừa làm kinh tế vừa để giúp nguồn giống cho bà con.
Từ vườn ông Hòa và một số vườn có quy mô lớn khác, những cành thanh trà được bà con chuyền tay san sẻ với nhau để cùng hồi sinh vùng thanh trà nức tiếng một thời. Đến nay, trong tổng số khoảng 200 hộ của toàn thôn thì đã có đến hơn 90% số hộ trồng thanh trà. Hộ ít cũng trồng chục gốc trong vườn, còn đa phần các hộ trồng từ 20-50 gốc. Mùa đơm hoa, đi qua làng Thượng Phước sẽ dễ dàng nhận ra mùi thơm khoan khoái, dịu nhẹ, thanh tao đặc trưng của loài cây này…
Tìm thương hiệu cho thanh trà Thượng Phước?Bà Bùi Thị Điền, 70 tuổi dẫn chúng tôi đi quanh một vòng vườn thanh trà tầm 40 gốc của gia đình tự hào bảo rằng, cũng nhờ loài cây này mà gia đình bà cũng như nhiều gia đình khác bước qua nhiều thời điểm khó khăn. “Có lẽ ông trời đã ban giống thanh trà đặc ân này cho dân làng Thượng Phước. Bởi lẽ, chỉ ở vùng đất này cây thanh trà mới hội tụ được tất cả những gì tinh túy nhất. Đó là quả to đều, da xanh mướt, ruột trắng ngần, thơm ngon, ngọt thanh, mọng nước… Mang cây đi nhiều nơi khác, kể cả làng giáp bên dù cây cũng ra quả bình thường nhưng lại bị chua đắng,” bà Điền nói xen lẫn niềm tự hào.
Hiện đầu ra của thanh trà ở Thượng Phước rất ổn định. Hầu như vào mùa thu hoạch (bắt đầu từ khoảng tháng 7 âm lịch) là các thương lái đã đặt mua gần hết các vườn thanh trà trong thôn với giá thu mua bình quân 10.000 đồng/quả. Bà Điền cho biết thêm, vào các dịp như ngày rằm, mùng một, lễ kiệu La Vang… thì giá thanh trà có khi lên đến 20-30.000 đồng/quả. Có thu nhập từ thanh trà, đầu ra rất thuận lợi nên bà con rất phấn khởi.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Xuân Đông, Trưởng thôn Thượng Phước cho rằng: Cây thanh trà ở Thượng Phước nổi tiếng từ xưa. Dân làng có thu nhập ổn định từ cây thanh trà là điều đáng mừng, nhưng hơn hết họ mong muốn được các cấp, ngành quan tâm nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho thanh trà Thượng Phước càng sớm càng tốt. Việc làm đó vừa nhằm lấy lại vị thế, khẳng định thương hiệu cũng như nâng cao giá trị của loại cây trồng chủ lực, truyền thống trên vùng quê cách mạng này”.
LÊ ĐỨC VIỆT