Thống nhất trong da dạng
Cách đây 75 năm, ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”
Tròn 75 năm kể từ đó, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, được tổ chức trong năm 2021 trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, sau 35 tiến hành công cuộc Đổi mới, bức tranh tổng thể của văn hóa nước nhà đã mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động hơn.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hoá các DTTS. Nhờ đó, cùng với những thành công như chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống đồng bào, việc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS đã đạt được những thành quả quan trọng.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện đã có 62.283 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê, 288 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 145/288 di sản của các DTTS – chiếm hơn 50% tổng số di sản); 05 di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết...
Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, đã có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người DTTS .
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai các chính sách bảo tồn, gìn giữ, chính quyền các cấp đã chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường; các dân tộc giúp đỡ cùng phát triển; các tầng lớp Nhân dân phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Hội nghị Diên Hồng”
Những thành tựu trong phát triển văn hóa trong những năm qua là rất đáng ghi nhận, nhưng lĩnh vực này cũng đang đối diện với những thách thức vô cùng lớn. Hội nhập quốc tế và làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến sự "va chạm" giữa văn hoá bản địa và văn hoá ngoại nhập.
Đặc biệt, công nghiệp hoá - hiện đại hoá và nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc văn hoá của các DTTS. Bản sắc văn hóa của nhiều DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một, nhất là ở các cộng đồng nghèo, các DTTS rất ít người. Từ ngôn ngữ, các vật dụng trong cuộc sống hằng ngày, đến kiến trúc nhà ở, các lễ nghi trong đời sống xã hội (hôn nhân, tang ma, thờ cúng...) văn hóa truyền thống của một số DTTS đang dần mất đi trong đời sống…
Khảo sát đánh giá của những chuyên gia nghiên cứu văn hóa các DTTS, chúng tôi nhận thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc có nhiều vấn đề cần giải quyết. Một trong những nguyên nhân là do cơ chế thị trường đã làm mai một một số bản sắc dân tộc, đặc biệt vùng đồng bào DTTS rất ít người. Các thiết bị nghe nhìn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động văn hóa của bà con hiện nay; khi hỏi các bạn trẻ người DTTS, nhiều người không hiểu văn hóa, tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhà ở... của dân tộc mình.
Theo PGS, TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, vì thế cần có những đánh giá hết sức chi tiết để có bức tranh toàn cảnh của từng dân tộc, từng cộng đồng các nhóm dân tộc, tổng thể đồng bào các DTTS; dựa vào đó mới biết được cái gì còn, cái gì là hủ tục cần loại bỏ, cái gì cần lưu giữ, bảo tồn... thì mới có chính sách phù hợp. Để phát triển văn hóa đồng bào các DTTS, những người làm chính sách phải có sự điều chỉnh, nghiên cứu, rà soát trên cơ sở tham dự về xây dựng chính sách của cả cộng đồng, của chính đồng bào.
Những “nút thắt” trong phát triển Văn hóa nói chung; gìn giữ và bảo tồn văn hóa các DTTS nói riêng được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11 tới đây. Như đánh giá của ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đây sẽ là một “hội nghị Diên Hồng” để qua đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét, đưa ra những quyết sách quan trọng về văn hóa trong giai đoạn tới. Đồng thời là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 2021, một số sự kiện đã và sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức như: Triển lãm chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” -diễn ra từ 16/11/2021 tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ; Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị với chủ đề “Việt Nam với khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc” vào ngày 21/11/2021 tại Nhà Hát lớn Hà Nội...