Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Ngãi chung tay đẩy lùi tảo hôn

Đức Anh - 18:50, 21/08/2023

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều hoạt động góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) tổ chức truyền thông tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong học đường thông qua hình thức sân khấu hóa
Huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) tổ chức truyền thông tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong học đường thông qua hình thức sân khấu hóa

Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 187.090 người DTTS, chiếm 13,32% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Hrê là 133.104 người; dân tộc Co 33.227 người; dân tộc Ca Dong 19.689 người và 1.070 người thuộc các DTTS khác.

Ở vùng có đông đồng bào các DTTS ở Quảng Ngãi ngày càng được quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông phát triển, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2022 giảm 5,37%, từ 35,64% xuống còn 30,27% (đạt mục tiêu đề ra là 4%/năm); tỷ lệ hộ cận nghèo là 13,99%. Mặc dù vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn khá cao. Một trong những nguyên nhân được xác định đó là đời sống kinh tế khó khăn, giao thông chưa thuận lợi, còn tồn tại hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, đó là nạn tảo hôn.

Nhằm giảm thiểu, tiến tới xoá bỏ tình trạng tảo hôn, hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, cùng các sở ngành, chính quyền địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã và đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt trong công tác tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh.

Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; tổ chức các hội thi sân khấu hóa trong các trường dân tộc nội trú, trung học phổ thông ở các huyện miền núi.

Thông qua hình thức sân khấu hóa, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tảo hôn
Thông qua hình thức sân khấu hóa, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tảo hôn

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tiến hành xây dựng mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ. Việc triển khai mô hình này góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Nhằm chung tay ngăn chặn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn vùng cao Quảng Ngãi, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đã kí kết chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh cùng chung tay thực hiện bình đẳng giới ở vùng miền núi với nhều cách làm hay để tuyên truyền, phổ biến chuyên đề Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Theo bà Lê Na, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, rất nhiều dự án, đề án triển khai để cùng ngăn chặn, đầy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng miền núi Quảng Ngãi. Mới nhất là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719). Dự án được Hội LHPN Quảng Ngãi triển khai ở 5 huyện miền núi.

Một buổi tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống do Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức
Một buổi tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống do Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức

Ở huyện Sơn Hà với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2016, trên địa bàn huyện có 92 cặp vợ chồng tảo hôn, thì đến năm 2022 không xảy ra tình trạng tảo hôn. Có 12 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn nhưng chính quyền địa phương đã kịp thời tuyên truyền và thuyết phục người dân.

Huyện miền núi Trà Bồng là nơi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tồn tại dai dẳng. Xác định việc thay đổi nhận thức và hành động của các cá nhân trong cộng đồng cần có thời gian, chị Lê Thị Hương, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng đã đến từng nhà, gặp từng người, vừa vận động, vừa nắm bắt thực tế để sớm ngăn chặn những trường hợp tảo hôn. Năm 2021, chi hội phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy đã thành lập CLB “Gia đình nói không với trẻ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, chú trọng việc tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để nâng cao ý thức tuân thủ luật hôn nhân gia đình cho phụ nữ trong thôn.

“Hiện nay chúng tôi xây dựng rất nhiều mô hình về xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Những mô hình này hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi cũng luôn tranh thủ sự hỗ trợ phối hợp với Người có uy tín tại cộng đồng, già làng trưởng bản. Qua đó, làm cho đồng bào nhận thức đúng đắn, phấn đấu xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, bà Na cho biết thêm.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Để hạn chế và từng bước xóa bỏ hủ tục này cần có những giải pháp đồng bộ và lâu dài hơn. Chỉ khi người dân nhận thức được đầy đủ pháp luật, kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên thì tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ được giảm dần và đẩy lùi.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.