Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam-dấu ấn 10 năm tại Bình Định

PV - 16:35, 08/08/2018

Năm 2008, sau nhiều năm ấp ủ và tìm kiếm địa điểm xây dựng một điểm gặp gỡ khoa học quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam cùng với sự giúp đỡ nhiệt huyết của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Giáo sư Lê Kim Ngọc đã quyết định lựa chọn Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) làm nơi tọa lạc của Trung tâm ICISE.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng tặng quà tri ân Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng tặng quà tri ân Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc.

Trung tâm ICISE được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2013, đây là điểm hẹn lý tưởng của các nhà khoa học. Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm ICISE đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học khoa học chuyên đề, đón tiếp 3.500 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia trên thế giới (trong đó có 12 giáo sư đoạt giải Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields, 2 giáo sư đoạt giải Kavli -giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên Văn học, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga), đem lại cơ hội phát triển khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản tại Việt Nam.

Với sự thành công của Trung tâm ICISE, tỉnh Bình Định đang phối hợp với Giáo sư Trần Thanh Vân và các bộ, ngành xúc tiến đề xuất Chính phủ thành lập Viện Nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam. Mục đích để phát huy tiềm năng của Trung tâm ICISE, tạo điều kiện cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị ra đời, góp phần đưa khoa học nước nhà phát triển.

Vừa qua, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) TP . Quy Nhơn, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức gặp mặt Kỷ niệm 10 năm Gặp gỡ Việt Nam ở Bình Định (2008-2018). Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định-Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: UBND tỉnh đang quy hoạch phát triển nơi đây thành một khu đô thị khoa học và giáo dục đầu tiên của Việt Nam, mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học-giáo dục đặc trưng của cả nước. Dự án được triển khai trên diện tích hơn 242ha, gồm các công trình, dự án khoa học, công nghệ như: Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành; Dự án Công viên sáng tạo TMA; Dự án Công viên phần mềm của Công ty phần mềm FPT; Làng khởi nghiệp và khu đổi mới sáng tạo; Khu tổ hợp không gian khoa học với nhà Mô hình vũ trụ, nhà Khám phá khoa học, Đài quan sát Thiên văn phổ thông, các viên nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao.

Tại buổi gặp mặt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa-Giáo dục Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn trong tương lai Bình Định sẽ trở thành một thành phố khoa học có trình độ quốc tế, nơi tập trung cho ra đời những viện nghiên cứu khoa học sắc sảo có sự lan tỏa mạnh mẽ trong nước và quốc tế.

PHƯƠNG LÊ