Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, ngôi chùa là nơi thờ tự thiêng liêng nhất và là điểm sinh hoạt, giao lưu cộng đồng dân tộc, rèn luyện giáo dục đạo đức tác phong, nâng cao dân trí cho sư sãi, phật tử. Do đó những năm qua, các sư sãi chùa Pitu Khôsa Răngsây, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, đã không ngừng truyền dạy giáo lý tín ngưỡng và xây dựng không gian của ngôi chùa trở nên sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo không gian trong lành thoáng mát, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các phật tử và người dân.
Những năm qua, trong các hoạt động thực hành tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống hằng năm tại chùa, các sư cũng đã chú trọng lồng ghép những nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, dẫn giải các quan điểm của nhà Phật, để phật tử thực hành lối sống thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Đại Đức Thạch Điệp, Phó Trụ trì chùa PôthiSômRôm, quận Ô Môn cho biết: “Trong khuôn viên chùa, nơi thờ tự, mọi người phải cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng nhiều cây xanh. Ngoài ra, nhà chùa còn khuyến khích tín đồ chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nylon, thực hành tín ngưỡng văn hóa một cách văn minh khi đến lễ chùa, bỏ rác đúng nơi quy định, không thắp nhiều nhang, hạn chế đốt vàng mã. Những hoạt động thiết thực đã góp phần khởi sắc không gian xanh - sạch - đẹp tại các chùa và phum, sóc, đồng thời nâng cao ý thức của người dân”.
Anh Sơn Phúc, phật tử của chùa Pitu Khôsa Răngsây cho biết: Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu diễn ra rất phức tạp, các nhà khoa học dù đã chỉ ra nhiều cách để khắc phục, nhưng tôi thấy tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân bảo vệ môi trường sống, là cách hay nhất và hiệu quả nhất. Trong đó, việc phát huy vai trò của các nhà sư trong công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Khmer sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Vì các vị là những người được đồng bào kính trọng, nghe theo và thực hiện rất nghiêm túc.
Theo Thượng tọa Lý Hùng, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ, từ năm 2016 cho đến nay, Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Ban Tôn giáo Thành phố và Hội Đoàn kết sư sãi đã có ký kết thực hiện các chương trình về ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, Hội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Những năm qua, đã có nhiều mô hình hay như, việc tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa; sáng tạo các vật dụng từ các nguyên liệu thiên nhiên bảo vệ môi trường, tích cực tuyên truyền cho chức sắc, Người có uy tín... được triển khai hiệu quả và lan tỏa.
“Riêng trong khuôn viên chùa phải trồng nhiều cây, để tạo lá phổi xanh cho chùa. Để bảo vệ nguồn nước sạch, thì vận động bà con và các chùa bồn tích trữ nước. Vận động phật tử hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa bao nylon, thay vào đó là sử dụng lá chuối, lá sen, hoặc các vật có thể tái sử dụng được nhiều lần, thân thiện thiên nhiên, an toàn với môi trường cũng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.