Luật sư Phạm Ngọc Lan:
Theo Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có quy định:
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Theo đó chồng chị có hành vi đánh đập mắng chửi chị khi đó chị là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong trường hợp này chị có các quyền sau: (điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình)
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc
Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật
Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác.
Do vậy, khi phát hiện chồng có hành vi bạo hành gia đình chị có thể báo với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực để áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ chị trước hành vi bạo hành gia đình của chồng.
Ngoài ra, chị cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.
BĐ (t/h)