6 tháng nay, cứ vào tối thứ hai và thứ năm hằng tuần, lớp học tiếng Mông của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Na Loi, Bộ đội Biên phòng Nghệ An được tổ chức đều đặn.
Thầy giáo truyền dạy là Thượng úy Lầu Bá Nênh, nhân viên trinh sát, thuộc ĐBP Na Loi. Trước mỗi buổi học mới, việc ôn lại những từ đã học ở bài trước đều được thực hiện để kiểm tra việc ghi nhớ và phát âm của cán bộ, chiến sĩ. Là người con của đồng bào dân tộc Mông, Thượng úy Nênh đã tích cực trao đổi, hướng dẫn với các đồng đội để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng chí cũng đã hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ đơn vị tích cực trao đổi để rèn luyện khả năng giao tiếp, ghi nhớ những từ vừa mới học ngay tại lớp.
Đại úy Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên phó ĐBP Na Loi cho biết, đơn vị đóng quân trên địa bàn 2 xã Na Loi và Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Mông sinh sống. Việc cán bộ, chiến sĩ nghe, nói, hiểu được tiếng của đồng bào sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình làm công tác vận động quần chúng, nhất là trong công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Do đó, đơn vị đã triển khai thực hiện việc học tiếng đồng bào đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ. ĐBP Na Loi đã lựa chọn các đồng chí trong đơn vị là người con của đồng bào các dân tộc giảng dạy cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Thiếu tá Chế Đình Trung, quân y ĐBP Na Loi cho biết, lớp học rất có ý nghĩa, nhất là đối với những người làm công tác quân y như anh. Biết tiếng của đồng bào anh dễ dàng trao đổi, hỏi thăm tình trạng bệnh tật, giải thích, hướng dẫn, tư vấn cho bà con phương pháp chữa trị để nhanh chóng khỏi bệnh. Ngoài thời gian học tập trung ở lớp, trong những lần tiếp xúc với người dân, anh vừa khám bệnh, vừa trao đổi với đồng bào để thêm thành thạo tiếng địa phương và thuận lợi trong hoạt động chuyên môn của mình.
Trong thời gian bùng phát dịch bệnh Covid-19, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Na Loi đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động tuyên tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh và phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền tập trung tại các bản, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, bản, cán bộ, chiến sĩ ĐBP còn tổ chức phiên dịch các nội dung tuyên truyền ra tiếng địa phương để chuyển tải đến đồng bào, giúp người dân dễ hiểu và thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong đồng bào.
“Sau khi anh em học trên lớp, những lúc cùng sinh hoạt, lao động, trêu đùa nhau bằng tiếng mình vừa học để dễ nhớ, dễ thuộc; từ nào chưa biết, từ nào chưa hiểu thì hỏi nhau. Những lúc tham gia sản xuất, làm công tác vận động quần chúng cùng bà con, anh em tranh thủ hỏi đồng bào các vật dụng bằng tiếng địa phương, người biết giải thích cho người chưa biết, qua đó nâng cao vốn từ, khả năng giao tiếp tiếng địa phương”, Thượng úy Lầu Bá Nênh cho biết thêm.
Đối với người lính Biên phòng, thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, thường xuyên tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, nên phải nghe được dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin. Muốn gần dân, tuyên truyền, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương đến người dân, việc đầu tiên là phải biết tiếng của đồng bào. Việc tuyên truyền bằng ngôn ngữ của đồng bào giúp người dân dễ hiểu và tiếp thu thuận lợi hơn.
Ông Lầu Giống Dìa, bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy chia sẻ: "Chúng tôi là người già ở trong bản ít đi ra ngoài, Bộ đội đến bản tuyên truyền bằng tiếng của người Mông thì ưng cái bụng lắm. Bộ đội nói thì bà con hiểu, bà con nói thì Bộ đội cũng hiểu, những chỗ chưa rõ được giải thích bằng tiếng địa phương, rất thuận lợi".