Điều đáng nói các xã đảo hầu hết mới chỉ có một vài trường học mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng được nhu học tập của học sinh. Nhiều học sinh muốn học lên THPT, học nghề phải đi tàu cá vào đất liền học tập, gian nan và tốn kém.
Ông Nguyễn Văn Vang, (thường trú tại tổ 1, đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người con đang đi học, hai cháu học tiểu học (được học trên đảo thì đỡ vất vả), còn 2 cháu lớn (học lớp 11 và cao đẳng nghề. Mỗi ngày các cháu phải đi tàu cá qua đất liền đi học, mỗi tháng một cháu phải mất 600.000 đồng tiền mua vé đò, đi lại vô cùng vất vả và nguy hiểm. Ngoài ra phải lo tiền học phí, tiền xe đưa đón đến trường, tốn kém lắm!”.
“Mùa khô còn đỡ, mùa mưa bão các cháu đi học, gia đình tôi lại lo nơm nớp, sóng to, gió mạnh bất an lắm. Mùa bão có khi phải nghỉ học cả nửa tháng vì không dám mạo hiểm cho các cháu qua đò, việc học tập của các cháu, có lúc gián đoạn, dở dang”, ông Vang phàn nàn.
“Tiếp xúc cử tri, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa hứa sẽ nhanh chóng cho xây trường THPT tại đảo Trí Nguyên để thuận tiện cho các cháu đến trường, nhưng cứ chờ mãi mà chả thấy đâu, không biết còn phải đợi đến bao giờ?”, ông Vang buồn phiền nói.
Tại thôn đảo Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) có hơn 100 hộ dân với khoảng 800 nhân khẩu, phần lớn người dân ở đây đều sống bằng nghề đánh bắt cá. Thôn đảo này chỉ có duy nhất một trường tiểu học với 5 lớp học, từ lớp 1 cho đến lớp 5 nên rất nhiều học sinh nơi đây vẫn không thể đến lớp. Muốn con cái được học hành nhiều bậc phụ huynh phải gửi con vào đất liền thuê nhà trọ cho con sinh hoạt, học tập.
Anh Phan Văn Khu sinh sống đảo Điệp Sơn cho biết: “Hai con của tôi, sau khi học xong tiểu học, để các cháu tiếp tục được đến trường tôi phải thuê nhà trọ trong đất liền cho các con ở và đi học. Thuê nhà như vậy tốn kém lắm, quản lý con cái cũng không thể sát sao, chu đáo vì chúng tôi phải ở lại đảo để đánh cá, nuôi tôm. Vài tháng chúng tôi mới vào đất liền thăm con một lần, do đó các cháu đều phải tự túc, tự lập. Nghĩ thương con lắm, nhưng điều kiện phải chấp nhận chứ biết tính sao”.
Cũng theo anh Khu, thanh niên ở đảo Điệp Sơn lấy chồng, lấy vợ rất sớm vì cứ học hết tiểu học thì không có điều kiện đi học tiếp đành nghỉ học theo cha mẹ mò cua bắt ốc, đánh cá. Mười chín, đôi mươi thì gả vợ, lấy chồng theo nghề đánh bắt cá chứ chẳng biết làm gì khác.
Theo ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Trưởng thôn đảo Điệp Sơn cho biết, người dân phần lớn là hộ nghèo, thôn đảo vẫn chưa có điện, nước thì sử dụng nước mưa. Trường học ở đây có vài lớp tiểu học đơn sơ, thầy cô giáo ra đảo dạy rồi ở lại đảo luôn. Điều kiện dạy học tại địa phương còn nhiều thiếu thốn, học sinh nơi đây phần lớn chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ học phụ giúp gia đình, bố mẹ mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc.
Khác với đảo Điệp Sơn, tại xã đảo Bình Hưng (thuộc xã Bình Hưng, TP. Cam Ranh) gồm có 2 cụm đảo Bình Ba và Bình Hưng hiện nay đã có điện, đời sống người dân khởi sắc hơn nhờ dịch vụ du lịch. Tuy nhiên điều kiện đi học của học sinh nơi đây cũng không khá hơn, muốn học THPT thì phải qua đất liền, cách trở đò ngang nên nhiều học sinh phải nghỉ học rất sớm.
Ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, TP. Cam Ranh cho biết: “Từ đảo Bình Ba vào đến TP. Cam Ranh đi tàu cá phải mất 60.000 đồng cho một lượt đi về, mỗi lần chúng tôi đi họp trong Thành phố là mất một ngày công làm việc. Học sinh vào đất liền đi học thì vô cùng gian nan vất vả, tốn kém, chưa kể mưa gió bão bùng thì hiểm nguy luôn rình rập”.
THANH XUÂN