Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Học bằng lái xe máy bằng tiếng Mông - Việc không khó

Hoàng Khánh - 08:04, 09/05/2022

Một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên mặc dù chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông (tiếng Việt) giờ đây có thể dễ dàng tham gia học và thi lấy bằng lái xe mô tô (xe máy) bằng chính ngôn ngữ “mẹ đẻ” của mình thông qua ứng dụng tiện ích “Website hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt”.

Giao diện ứng dụng “Website hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt” của thầy và trò Trường Phổ thông DTNT Điện Biên
Giao diện ứng dụng “Website hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt” của thầy và trò Trường Phổ thông DTNT Điện Biên.

Xuất phát từ thực tiễn, tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Điện Biên, đồng bào dân tộc Mông ngày càng có nhu cầu lớn sử dụng xe mô tô (xe máy) nhằm mục đích đi lại, phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, vì lý do bị hạn chế trong việc chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt nên họ chưa thể học và thi giấy phép lái xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đây cung là một trong các nguyên nhân làm gia tăng số vụ tai nạn, số vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại vùng đồng bào DTTS.

Trước đó, để tạo điều kiện cho người dân có thể học và thi sát hạch lấy bằng lái xe máy hạng A1, ngày 28/11/2020 tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND Quy định đào tào sát hạch lái xe mô tô hạng A1 dành riêng cho đồng bào DTTS không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh.

Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho một bộ phận đồng bào DTTS trong tỉnh được tham gia giao thông thuận lợi, đúng quy định và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, tất cả các tài liệu được “số hóa” bằng phần mềm, website hướng dẫn ôn thi lý thuyết lái xe máy đều bằng tiếng Việt. Do đó, đồng bào Mông nếu chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt thì rất khó trong việc học, tiếp thu kiến thức và có thể thi được bằng lái.

Thấu hiểu khó khăn của đồng bào DTTS trong việc tiếp cận kiến thức học, thi phần lý thuyết lái xe máy thầy giáo Lê Thành Long, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT) Điện Biên đã hướng dẫn nhóm học sinh của mình xây dựng “Website hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt”.

Website được xây dựng bao gồm banner và logo trường; video giới thiệu toàn bộ tính năng; 4 menu chính học 200 câu lý thuyết, các loại biển báo giao thông đường bộ, mẹo thi, đề thi thử sát hạch… Tất cả đều gồm có file tiếng Mông và chữ Việt để đáp ứng nhiều đối tượng có thể luyện thi, bao gồm cả bà con người Mông không thành thạo tiếng phổ thông.

Thầy Lê Thành Long chia sẻ: Với ứng dụng này, người dùng chỉ cần sử dụng chiếc điện thoại smartphone có kết nối internet và thao tác trực tiếp trên website. Giao diện thiết kế phù hợp, tiện dụng trên các thiết bị thông minh sẽ giúp ích cho người học ôn thi lý thuyết lái xe một cách dễ dàng và ở bất cứ đâu cũng có thể vào học được. Đặc biệt các chức năng hiển thị trên giao diện đều hiển thị file âm thanh tiếng Mông đính kèm giúp người học có thể ôn luyện dễ dàng nhất.

Nhóm học sinh do thầy Long hướng dẫn xây dựng Website hocbanglaixemay.com
Nhóm học sinh do thầy Long hướng dẫn xây dựng Website hocbanglaixemay.com

Sau nhiều năm gặp khó khăn trong việc học và giao tiếp bằng tiếng Việt nên dù đã biết đi xe máy nhưng chị Giàng Thị Là, thôn Sính Phình (huyện Tủa Chùa) vẫn chưa thể học và thi lấy bằng. Trước đây chị đã từng tham gia một khóa học bằng lái xe máy, nhưng do hình thức đào tạo tập trung, số lượng học viên đông, người phiên dịch tiếng dân tộc chủ yếu dịch theo lời giáo viên hướng dẫn nên không có nhiều thời gian giải đáp thắc mắc của học viên. Thêm vào đó, học viên người DTTS thường e ngại và không mạnh dạn trao đổi với giáo viên nên quá trình học, ôn luyện kiến thức không hiệu quả, việc sát hạch cũng không đạt kết quả như mong muốn.

Gần đây chị Là biết đến phần mềm học bằng lái xe máy bằng tiếng Mông do cô cháu gái học tại Trường Phổ thông DTNT tỉnh giới thiệu nên chị đã tự tin nộp hồ sơ đi học và nỗ lực ôn luyện, chờ ngày đi thi lấy bằng lái xe máy.

Dự án “hocbanglaixemay.com” của thầy Long đã mang lại mục tiêu kép, vừa tạo điều kiện để học sinh của mình hiểu biết hơn về ngôn ngữ lập trình web, đặc biệt là WordPress, mặt khác giúp việc ôn luyện phần thi lý thuyết sát hạch giấy phép lái xe A1 cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

“Phấn khởi nhất là ngày càng có nhiều người biết và truy cập vào website học bằng lái xe máy và đã đạt kết quả như mong đợi. Những người này đã gửi lời cảm ơn thầy trò chúng tôi vì sáng tạo trang web giúp họ dễ dàng luyện thi và nâng cao kiến thức về luật giao thông đường bộ. Đây cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển và hoàn thiện website hơn, có thể ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn một cách tốt nhất” - Thầy Long cho chia sẻ.

Ứng dụng tiện ích “Website hocbanglaixemay.com dành cho người dân tộc Mông chưa sử dụng được tiếng Việt” được thực hiện bởi thầy và trò Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên đã xuất sắc đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2021 – 2022 bởi tính ứng dụng và những tiện ích thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.