Chia sẻ về quan điểm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Páo cho biết, mình đã vận dụng vào chính lối sống, công việc hằng ngày. Trong bản có cặp vợ chồng nào xảy ra mâu thuẫn thì tìm đến tận nhà khuyên can, nói cho họ hiểu về tác hại của việc mất đoàn kết trong gia đình. Đứa trẻ nào bỏ học, mình phải tìm gặp khuyên nhủ, vận động gia đình để họ hiểu chỉ có học mới có thể thoát nghèo, con em mới có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Học ở Bác còn là tự hoàn thiện chính mình, tự phấn đấu vươn lên, tự khắc phục những khiếm khuyết của bản thân để ngày càng tiến bộ”, ông Thào A Páo chia sẻ thêm.
Tận dụng lợi thế đất đai phì nhiêu, nhiều bãi chăn thả gia súc, ông Thào A Páo đã động viên con cháu trong gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò, dê giống về nuôi; đào ao thả cá. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, đàn vật nuôi của gia đình ông đã phát triển lên gần 150 con trâu, bò, dê; ông Páo còn trồng gần 3ha cây sa nhân; 1ha ao cá; trừ chi phí gia đình ông có thu nhập trên 170 triệu đồng/năm.
Trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, ông Páo đã tích cực vận động người dân trong bản hăng say lao động, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Những tấm Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành ghi nhận về việc làm của ông Thào A Páo là minh chứng cho những việc làm hữu ích, thiết thực và ý nghĩa của ông tại địa phương.