Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoạt động kết nghĩa ở Bình Định: Không chỉ là thăm hỏi, tặng quà

PV - 14:58, 29/08/2018

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (khóa XVIII) về “Tăng cường hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã có 242 địa phương, đơn vị vùng đồng bằng kết nghĩa với 173 địa phương, đơn vị vùng DTTS. Tổng số tiền, quà được hỗ trợ trị giá trên 20,52 tỉ đồng.

Góp sức cho buôn làng

Theo thống kê của các ngành chức năng, trong 5 năm qua, các đơn vị kết nghĩa đã phối hợp với các địa phương tổ chức hơn 1.000 lượt tuyên truyền, vận động với nhiều lượt cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân tham dự. Đáng chú ý, các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh đã vận động đồng bào DTTS giải quyết các vụ việc phức tạp, không tham gia sinh hoạt đạo trái phép, không phá rừng làm nương rẫy, vận động 42 học sinh bỏ học trở lại trường.

Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn bồi dưỡng kiến thức cho học sinh các làng kết nghĩa với trường. Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn bồi dưỡng kiến thức cho học sinh các làng kết nghĩa với trường.

Ông Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: có 41 đơn vị thuộc công an tỉnh kết nghĩa với 46/124 địa bàn đồng bào DTTS trọng điểm phức tạp về ANTT; giá trị vật chất hỗ trợ trên 5 tỉ đồng. Dấu ấn rõ nét nhất trong hoạt động kết nghĩa là, các đơn vị tăng cường công tác tranh thủ Người có uy tín, già làng để vận động nhân dân tham gia hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Ba không về an ninh trật tự” ở tuyến núi (không để Fulrô, Đêga móc nối hoạt động; không để tôn giáo phát triển trái pháp luật; không để các tập tục lạc hậu phục hồi, phát triển và tự giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở).

Già làng Lê Văn Ru, làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh chia sẻ: Làng tôi được Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (công an tỉnh Bình Định) kết nghĩa đã nhiều năm. Ngoài những hỗ trợ về vật chất, các chiến sĩ công an còn tuyên truyền để bà con hiểu về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cố gắng làm ăn, tuân thủ pháp luật, không nghe theo bọn người xấu.

Tương tự, Trường Đại học Quy Nhơn cũng là đơn vị tham gia tích cực vào các hoạt động kết nghĩa với những hoạt động thiết thực. Công đoàn trường đã kêu gọi mỗi đoàn viên đóng góp 1 ngày lương để xây tặng nhà công vụ giáo viên cho xã kết nghĩa Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Hằng năm, vào đầu năm học mới, Công đoàn trường đều hỗ trợ 2 xã kết nghĩa Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim, tổng giá trị quà 50 triệu đồng. Đoàn trường cũng kết nghĩa với xã đoàn An Dũng (An Lão) và xã đoàn Canh Vinh (Vân Canh). Hằng năm, Đoàn trường đều gửi các đội tình nguyện lên hỗ trợ các đơn vị kết nghĩa xây dựng nông thôn mới, chăm lo cho trẻ em, thăm hỏi và tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, tặng bò cho các thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt.

Ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Quy Nhơn cho hay: Công tác kết nghĩa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể chính trị - xã hội của nhà trường với lãnh đạo địa phương để hoạt động giúp đỡ ngày càng thiết thực. Trước khi xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, chúng tôi đều tiến hành tiền trạm, khảo sát tình hình tại địa phương để chương trình đạt hiệu quả cao nhất.

Tập trung giúp đồng bào thay đổi nhận thức

Hoạt động kết nghĩa không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vật chất đơn thuần, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng DTTS là phải tạo ra chuyển biến rõ rệt trong sản xuất và đời sống của đồng bào.

Bằng những cố gắng, nỗ lực của mình, nhiều đơn vị kết nghĩa đã để lại dấu ấn trong lòng bà con ở các buôn làng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kết nghĩa vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Các cơ quan, đơn vị chưa coi trọng việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; giúp đỡ củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và xây dựng các đoàn thể vững mạnh.

Theo ông Trương Tứ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Lão, một số đơn vị kết nghĩa chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm khi được phân công kết nghĩa; một số đơn vị chủ yếu thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết… “Việc hỗ trợ giúp đỡ cho các địa phương phát triển kinh tế, áp dụng những tiến bộ KHKT để nâng cao hiệu quả sản xuất và phục vụ đời sống còn hạn chế”, ông Tứ nhận định.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn đặt ra mục tiêu đảm bảo 100% làng DTTS trên địa bàn tỉnh được kết nghĩa. Song, nội dung kết nghĩa không chỉ là “thăm hỏi, tặng quà là xong. Phải tập trung vào việc giúp đồng bào đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm; tổ chức lại sản xuất và đời sống, xây dựng đời sống văn hóa và xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Có những việc tưởng nhỏ nhưng cũng cần nhiều thời gian, sự gần gũi, sâu sát mới làm được, chẳng hạn thay đổi những thói quen chưa tốt trong đời sống hằng ngày của bà con như chi tiêu chưa tiết kiệm…”, ông Toàn gợi ý.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.