Trong cung đình xưa, ngày Tết Trung thu có nhiều hoạt động diễn ra. Dưới triều Lý, Trung thu là một lễ hội do nhà vua tổ chức với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước, rối cạn. Thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ đạo xem phong cảnh. Đến thời Lê Trung hưng, những mô tả lịch sử là ngày hội trong phủ Chúa Trịnh được trang hoàng lộng lẫy bằng hàng ngàn chiếc đèn tạo nên một đêm trung thu lung linh đầy màu sắc. Trong dân gian, ngày Tết Trung thu cũng trở nên rực rỡ với tục chơi đèn, phá cỗ trông trăng…
Đến với chương trình Vui Tết Trung thu 2022 tại Hoàng thành Thăng Long, du khách và các em nhỏ sẽ được trở về với tuổi thơ, được hòa mình trong không gian đèn trung thu lung linh sắc màu, của tiếng trống múa lân và những giai điệu quen thuộc: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…” hay “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu”…
Bên cạnh đó là các gian hàng trưng bày, giới thiệu rất nhiều loại đèn trung thu truyền thống như: đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ; đặc biệt là một số loại đèn trung thu đầu thế kỷ XX được làm theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, phục hồi lại theo các nguồn tư liệu như đèn con cua, đèn cá chép hóa rồng...
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức không gian để các vị khách được trải nghiệm làm bánh dẻo trung thu; làm đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù; tô, vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều giấy...
Ban tổ chức còn tái hiện không khí của Tết Trung thu xưa với các gian hàng bán đồ chơi, mâm cỗ “trông trăng” với các loại bánh kẹo, hoa quả đặc trưng cho mùa thu, hay ông tiến sĩ giấy, thể hiện mong ước con cháu đỗ đạt của người xưa.
Ngoài ra, chương trình còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng, nổi bật nhất là biểu diễn rối nước, múa lân...
Trẻ em trải nghiệm các loại đồ chơi Trung thu truyền thống trong chương trình “Đèn thu lung linh”.