Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoàng Su Phì (Hà Giang): Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thanh Hoài - 08:00, 11/12/2022

Thời gian qua, việc đa dạng hóa và không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Nhiều lớp tập huấn, phổ biến pháp luật được tổ chức dành cho những đối tượng đặc thù
Nhiều lớp tập huấn, phổ biến pháp luật được tổ chức dành cho những đối tượng đặc thù

Cụ thể, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện Hoàng Su Phì đã tập trung đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền; lựa chọn chủ đề, nội dung tuyên truyền các vấn đề dư luận quan tâm và nhóm đối tượng đặc thù, tập trung vào vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; nạn nhân bạo lực gia đình; nhóm đối tượng người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Bên cạnh đó, Hội đồng PBGDPL không ngừng củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Gắn công tác PBGDPL với các phong trào như “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết, cùng với việc đa dạng hóa nội dung, các hình thức PBGDPL cũng ngày càng phong phú, đa dạng và thiết thực với người dân hơn như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học; tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học. Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; các phiên toà xét xử công khai, lưu động... 

Trong năm 2022, huyện đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp được 1.068 cuộc, thu hút 135.784 lượt người tham gia. Tiếp nhận, biên soạn, in và cấp phát trên 2.529 tờ rơi, tờ gấp; biên soạn, in ấn bảng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cấp phát cho 199 thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Các ngành, đoàn thể, các đơn vị trường học đã tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức sân khấu hóa, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, học sinh tham gia. Hoạt động PBGDPL trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng được đẩy mạnh. 

Cùng trong năm 2022, đã tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh cơ sở được trên 700 lần cho 620.500 lượt người nghe. Trang thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn cũng tích cực đăng tải các nội dung hỏi đáp pháp luật, các chương trình, dự án, chính sách mới của Trung ương, của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp luật của nhân dân.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân xã Sán Sả Hồ.
Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân xã Sán Sả Hồ.

Là huyện vùng cao, địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác, vì vậy việc thực hiện PBGDPL tại các buổi chợ phiên là hình thức được huyện triển khai và đem lại hiệu quả khá tốt. Bởi mỗi dịp chợ phiên, người dân thường tập trung đông để buôn bán, trao đổi hàng hóa và gặp gỡ, giao lưu với nhau. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác tuyên truyền. 

Để thu hút người dân, các hình thức, phương pháp tuyên truyền được thực hiện sinh động, như biểu diễn các tiết mục văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật, hoặc các tiểu phẩm hài có các tình tiết liên quan đến pháp luật. Thời gian tuyên truyền thường chỉ kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Nội dung PBGDPL được lồng ghép một cách đơn giản, dễ hiểu để bà con dễ nhớ và nhớ lâu.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các cơ sở giáo dục. Trong năm, đã tổ chức tuyên truyền được 143 cuộc cho hơn 21.000 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh về Luật Trẻ em, Luật Giao thông đường bộ… Các đơn vị trường học cũng tổ chức nhiều hội thi hấp dẫn, thu hút đông đảo học sinh tham gia, như cuộc thi xây dựng video clip tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hội thi gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, bài trừ hủ tục…

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.