“Vùng trũng” tiếp cận công nghệ
Chính thức kết nối Internet toàn cầu tháng 11/1997, sau 27 năm, Việt Nam đã đạt được mức độ phổ cập Internet cao. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tại thời điểm tháng 1/2024, dân số của cả nước là 99,19 triệu người (trong đó 60,2% dân số sống ở vùng nông thôn) thì có 78,44 triệu người sử dụng internet, tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%. Tỷ lệ người dùng sử dụng điện thoại thông minh/tổng số người dùng điện thoại di động cả nước đạt 84,4%.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang rất nỗ lực để nâng tỷ lệ người dùng sử dụng điện thoại thông minh đạt 100% vào cuối năm 2024; đưa internet cáp quang đến 100% thôn, xóm vào năm 2025. Nhưng mục tiêu này đang gặp rào cản lớn; bởi hiện còn nhiều thôn, bản vùng DTTS và miền núi vẫn chưa có điện lưới quốc gia.
Số liệu trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 đang được Bộ Công thương hoàn thiện thể hiện rõ, cả nước vẫn còn 911.400 hộ dân (trong đó có khoảng 160.000 hộ dân chưa có điện, 751.400 hộ dân cần cải tạo) tại 14.676 thôn, bản trên địa bàn 3.099 xã thuộc 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ở nhiều địa phương, nhu cầu được cấp điện của người dân ở vùng sâu, vùng xa trở nên hết sức bức thiết.
Như tại Cao Bằng, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 29/5/2024, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cho biết, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh vẫn còn 7.114 hộ dân chưa có điện, chiếm tỷ lệ 5,47% tổng số hộ dân của tỉnh.
Việc ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội lên một tầm cao mới. Thế nhưng, ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không được tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại".
ĐBQH Nguyễn Thị Huế
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Đặc biệt, tại huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm, số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tỷ lệ còn rất cao. Trong đó, Bảo Lạc còn 2.471 hộ, chiếm tỷ lệ 22,51% trên tổng số hộ; Bảo Lâm còn 3.540 hộ, chiếm tỷ lệ 28,66% trên tổng số hộ.
Một thực tế rất rõ là, đối với những thôn, bản chưa có điện lưới, chưa có sóng di động, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân không thể dùng điện thoại thông minh, không có mạng internet nên việc tiếp cận công nghệ thông tin rất khó khăn.
Ngoài ra, số liệu trong “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050” được phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg, ngày 11/1/2024 cho thấy, cả nước hiện còn 2.052 thôn, bản không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, dù đã có điện lưới quốc gia nhưng chưa có kết nối Internet cáp quang băng rộng đến nhà văn hóa thôn, bản; có 230 thôn, bản không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, đã có điện lưới quốc gia nhưng chưa được phủ sóng băng rộng di động.
Những thông số nêu trên cho thấy, tình hình tiếp cận công nghệ thông tin từ việc kết nối internet trong đồng bào DTTS chưa có nhiều cải thiện so với năm 2019. Cách đây 05 năm, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, có 61,3% hộ trong tổng số khoảng 3 triệu hộ người DTTS của cả nước sử dụng Internet; đồng nghĩa có khoảng 1,2 triệu hộ DTTS vẫn chưa được tiếp cận công nghệ từ mạng thông tin toàn cầu internet.
Nỗ lực “phủ sóng”
Với những địa bàn chưa có điện lưới quốc gia, không có hạ tầng viễn thông, việc tiếp cận thông tin vốn đã khó thì việc chuyển đổi số, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến càng khó hơn. “Mục sở thị” một số địa phương khi hỗ trợ bà con thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến mới thấy được sự gian nan trong quá trình chuyển đổi số ở vùng DTTS và miền núi.
Đơn cử ở Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 19 thôn, bản với khoảng trên 1.100 hộ dân, chủ yếu là hộ DTTS, chưa có lưới điện quốc gia; đây cũng là khu vực bị lõm sóng, không có mạng viễn thông.
Do không có điện lưới quốc gia, không có hạ tầng viễn thông, để làm các thủ tục liên quan đến hành chính công, cán bộ các xã phải tháo sim, lắp sim của bà con vào máy mình để làm thủ tục ngay tại xã. Các việc liên quan đến hội họp, tuyên truyền, cán bộ xã phải xuống tận bản thông báo đến người dân.
Ngoài yếu tố “đầu vào” là điện lưới và hạ tầng viễn thông thì mức độ tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin của hộ DTTS còn phục thuộc vào các thiết bị “đầu ra”.
Trong cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, các điều tra viên thống kê số hộ sử dụng máy vi tính để đo lường, từ đó cho ra kết quả có 61,3% hộ DTTS sử dụng internet.
Sau 05 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ hai, với nỗ lực “phủ sóng” hạ tầng viễn thông ở vùng DTTS và miền núi, cùng với sự phổ biến của các phương tiện công nghệ, việc tiếp cận mạng thông tin internet toàn cầu của hộ DTTS được thuận tiện hơn. Vì vậy, năm 2024, cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS tiến hành thu thập thông tin chi tiết hơn để có dữ liệu chính sác về mức độ tiếp cận của hộ DTTS.
Cụ thể, trong phiếu điều tra hộ, điều tra viên sẽ thu thập các thông tin về thiết bị phát wifi của riêng nhà hay dùng chung với hộ khác (có kết nối bằng cáp đồng hoặc cáp quang tới nhà mạng); máy tính, tivi có kết nối bằng cáp đồng hoặc cáp quang tới nhà mạng; máy tính, tivi có kết nối bằng dây cáp dùng chung với hộ khác; máy tính, tivi hoặc thiết bị Set-top box kết nối với dịch vụ truyền hình IP_Tivi (hay còn gọi là truyền hình giao thức Internet); thiết bị kết nối Internet qua mạng di động cho các thành viên hộ sử dụng (điện thoại di động, máy tính bảng;...).
Thực tế cho thấy, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nền tảng mang tính quyết định, giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan tới vùng DTTS và miền núi. Vì vậy, những thông số về thực trạng tiếp cận công nghệ thông tin của hộ DTTS trong cuộc điều tra lần thứ ba là cơ sơ quan trọng để hoạch định các chính sách liên quan nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin của đồng bào các dân tộc, từ đó từng bước hòa mình vào nền kinh tế số, đang là một xu thế tất yếu hiện nay.
Trước mắt, số liệu thu thập về thực trạng tiếp cận công nghệ thông tin của hộ DTTS, sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để tiếp tục triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 2 – Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).
Tiểu dự án 2 – Dự án 10 thuộc Chương trình MTQG 1719 nhằm mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Việc lập điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin từ nguồn vốn của Tiểu dự án 2 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn tại Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30/5/2023.
Sau khi có hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương đã và đang tích cực triển khai thiết lập các điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin. Đơn cử, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Lào Cai sẽ đầu tư, xây dựng 117 điểm tại 69 xã thuộc khu vực III và 48 thôn đặc biệt khó khăn; tỉnh Tuyên Quang sẽ thiết lập 93 điểm; Gia Lai lập 88 điểm; Quảng Ngãi lập 55 điểm;...
Việc triển khai Tiểu dự án 2 – Dự án 10 thuộc Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa rất thiết thực, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS và miền núi.
Thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 10 thuộc Chương trình MTQG 1719, ngày 12/5/2023, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 330/QĐ-UBDT phê duyệt “Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu chung của Đề án là hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương ở trong nước và thế giới; nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS và miền núi; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai Chương trình MTQG 1719...