Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Khơi dậy ý chí tự lực (Bài cuối)

Sỹ Hào - 15:08, 23/08/2024

Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án trong giai đoạn 2019 - 2024, vùng DTTS và miền núi đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm nhanh. Kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sẽ phản ánh các khía cạnh nghèo hiện nay của hộ DTTS, từ đó có những cơ chế hỗ trợ nhằm khơi dậy ý chí tự lực của hộ nghèo, bảo đảm giảm nghèo bền vững.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Khơi thông ý chí tự lực (Bài cuối)
Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên hiện vẫn là hai vùng “lõi nghèo” của cả nước. (Ảnh minh họa)

Giảm nghèo có trọng tâm

Trong Báo cáo số 5917/BC-BKHĐT-KHGDTNMT ngày 26/7/2024 đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 của cả nước là 3,2%, giảm 1,1% so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên,thông số về giảm nghèo trong Báo cáo SDGs năm 2023 không được Bộ KH&ĐT phân tích cụ thể. Trước đó, trong Báo cáo SDGs năm 2022 (được công bố tháng 7/2023), Bộ KH&ĐT đã đưa ra nhiều chỉ số để phản ánh thực trạng nghèo ở khu vực thành thị - nông thôn; cũng như từng vùng kinh tế và theo thành phần dân tộc.

Hiện Ủy ban Dân tộc đang xây dựng “Đề án tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030”, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2024. Mục tiêu của Đề án là xây dựng bộ tiêu khoa học, hiệu quả, làm cơ sở để hoạch định chính sách có định mức đầu tư, hỗ trợ cao hơn cho các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, để các dân tộc này sớm hòa nhập với sự phát triển chung trong vùng DTTS và miền núi.

Trong Báo cáo SDGs năm 2022, Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ nghèo đa chiều của nước ta ước khoảng 4,2%, giảm 1,17% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ này còn có sự phân hóa lớn giữa khu vực thành thị (1,5%), nông thôn (5,9%) và giữa các vùng kinh tế - xã hội (KT – XH).

Cụ thể, tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (12,8%) và Tây Nguyên (10,8%) và thấp nhất ở Đông Nam Bộ (0,4%). Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm 4,89%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 6,35% so với cuối năm 2021.

Trong Báo cáo SDGs năm 2022, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo vẫn còn nhiều thách thức như: Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, giảm nghèo chưa thực sự bền vững; chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, các nhóm cư dân chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Đặc biệt, trong Báo cáo SDGs năm 2022, Bộ KH&ĐT nhận định, một số chính sách giảm nghèo đặc thù chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng DTTS nên hiệu quả tác động chưa cao; mức đầu tư cho giảm nghèo còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Đây cũng là thực trạng đã được đánh giá, phân tích từ số liệu điều tra, thu thập thông tin KT – XH của 53 DTTS năm 2019; với những số liệu cụ thể, chi tiết hơn. Kết quả điều tra cho thấy, Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng “lõi nghèo” của cả nước; với tỷ lệ tương ứng là 39,1% và 35,5%, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020.

Với phương pháp thu thập thông tin từng hộ gia đình, cuộc điều tra thông tin KT – XH của 53 DTTS, còn đưa ra những số liệu chi tiết về thực trạng nghèo của từng dân tộc. Kết quả cho thấy, có dân tộc hầu như không có hộ nghèo như dân tộc Hoa, dân tộc Ngái. Ngược lại, nhiều dân tộc, như: Co, Xinh Mun, La Hủ, Chứt, Mảng, Pà Thẻn có số hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến hơn 70%.

Ngoài các dân tộc trên, cả nước vẫn còn 21 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn một nửa. Trong đó có dân tộc Mông, một trong số ít DTTS có dân số đông nhất (trên 1 triệu người) nhưng có số hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến hai phần ba (65,5%).

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Khơi thông ý chí tự lực (Bài cuối) 1
Theo kết quả phân tích của UBND tỉnh Sơn La, đại đa số hộ nghèo trên địa bàn là do không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất kinh doanh; không có phương tiện, công cụ sản xuất; không có kiến thức về sản xuất; không có kỹ năng lao động, sản xuất;... (Ảnh minh họa)

Từ những số liệu này, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Trên cơ sở bộ tiêu chí đó đã xác định được 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021).

Đây là cơ sở để thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719); với nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển các dân tộc có khó khăn đặc thù, hỗ trợ các dân tộc còn nhiều khó khăn phát triển KT – XH.

Bảo đảm giảm nghèo bền vững

Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng KT – XH của 53 DTTS năm 2024 trên phạm vi cả nước đã chính thức kết thúc ngày 15/8. Hiện các địa phương đã có bộ dữ liệu cơ bản về các điều kiện KT – XH của các hộ DTTS trên địa bàn; sau đó sẽ được Tổng cục Thống kê tổng hợp, bàn giao cho Ủy ban Dân tộc để tiến hành đánh giá, phân tích.

Việc phân tích các khía cạnh của đời sống KT – XH các hộ DTTS từ số liệu điều tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi đây là cơ sở để hoạch định chính sách trong giai đoạn 2026 – 2030, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho vùng DTTS và miền núi.

Thực tế cho thấy, kết quả giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn 2019 – 2023 là rất ấn tượng, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu bền vững. Ở một số địa phương, tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh của hộ DTTS vẫn còn khá phổ biến.

Giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến”.
ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên.

Đơn cử tỉnh Sơn La, cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 42.147 hộ nghèo (41.467 hộ người DTTS) thì có 854 hộ tái nghèo và 6.618 hộ nghèo phát sinh. 

Trong tổng số 27.050 hộ cận nghèo (26.634 hộ người DTTS) của tỉnh cuối năm 2023 thì có 1.617 tái cận nghèo và 1.215 hộ cận nghèo phát sinh mới. Đây là kết quả rà soát được UBDN tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 25/1/2024.

Không chỉ Sơn La mà ở hầu hết các địa phương vùng DTTS và miền núi, kết quả giảm nghèo chưa bền vững là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. 

Trong Báo cáo SDGs năm 2023 ngày 26/7/2024, Bộ KH&ĐT cũng nhận định, kết quả giảm nghèo cao nhưng chưa bền vững, hộ nghèo dễ rơi vào tình trạng tái nghèo hoặc nghèo phát sinh mới.

“Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững”, Bộ KH&ĐT kiến nghị.

Các khía cạnh nghèo của hộ DTTS đã được thu thập trong cuộc điều tra thông tin thực trạng KT – XH của 53 DTTS năm 2024 vừa được tổ chức từ ngày 01/7 đến ngày 15/8; tại 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả sẽ được đánh giá, phân tích, dự kiến công bố vào tháng 7/2025, từ đó nhận diện nguyên nhân nghèo của hộ DTTS để có định hướng chính sách hỗ trợ phù hợp trong giai đoạn tới.

Từ nay đến thời điểm công bố bộ dữ liệu điều tra thực trạng KT – XH của 53 DTTS, việc nhận diện nguyên nhân nghèo ở góc độ từng địa phương cũng là điều cần thiết để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi; nhất là khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của hộ nghèo người DTTS để thoát nghèo bền vững.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: Khơi thông ý chí tự lực (Bài cuối) 3
Với phương pháp thu thập thông tin từng hộ gia đình, cuộc điều tra thông tin KT – XH của 53 DTTS còn đưa ra những số liệu chi tiết về thực trạng nghèo của từng dân tộc..(Trong ảnh: Điều tra viên thu thập thông tin tại hộ gia đình bà Y Chin, thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum)

Như tỉnh Sơn La, theo phân tích tình trạng nghèo kèm theo Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 25/1/2024, hết năm 2023, trong tổng số 42.147 hộ nghèo của tỉnh thì chỉ có 1.548 hộ nghèo do không có khả năng lao động; có 267 hộ cận nghèo không có khả năng lao động trong tổng số 27.050 hộ cận nghèo toàn tỉnh.

Theo kết quả phân tích của UBND tỉnh Sơn La, đại đa số hộ nghèo trên địa bàn là do không có đất sản xuất (10.616 hộ); không có vốn sản xuất kinh doanh (27.534 hộ); không có phương tiện, công cụ sản xuất (11.268 hộ); không có kiến thức về sản xuất (21.681 hộ); không có kỹ năng lao động, sản xuất (23.402 hộ);...

Những nguyên nhân dẫn đến nghèo như ở tỉnh Sơn La cần được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng ở phạm vi cả nước, từ kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng KT – XH của 53 DTTS năm 2024. Để từ đó, các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tới tiếp tục “đả thông” những “điểm nghẽn” đã được nhận diện, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS được trang bị các công cụ cần thiết, nỗ lực vươn lên để thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.