Họa sĩ “đồng nát”
Tháng 9 năm 2017, tác phẩm “Chuông” của Kù Kao Khải đã được trao giải Nhất tại Lễ trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017 và Giải A Khu vực II-Đồng bằng sông Hồng. Chuông là một con cá khổng lồ bằng gỗ cao gần 2,5m được treo lên giá, như một quả chuông. Trên phần giá là hình ảnh của ống khói nhà máy đang tuôn trào, những bộ mặt người câm nín và ảm đạm. Anh chia sẻ: “Tôi thấy quê mình rất đẹp, nhưng đang xây nhiều nhà máy, vì thế, tôi đã bỏ ra 5 tháng liền làm tác phẩm “Chuông” này để cảnh báo. Không thể đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế…”.
Kù Kao Khải là nghệ danh 3 chữ K độc đáo của họa sĩ Kù Cao Khải, sinh năm 1978 tại quê hương Kim Sơn, Ninh Bình. Niềm đam mê hội họa đã khiến cậu sinh viên Bách Khoa bỏ học giữa chừng để thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa với ước mơ làm họa sĩ. Lọ mọ 10 năm trời để tìm lối đi, anh mừng rỡ khi đã tìm đúng đường và cởi bỏ được những định kiến: nghệ thuật phải thế này, thế kia … Vì chính nó là yếu tố thui chột đi tính sáng tạo của người nghệ sĩ bởi sáng tạo vốn không có giới hạn.
Không đi theo lối truyền thống, hướng đi của Kù Kao Khải rất riêng, rất tự do và không có ràng buộc nào về nội dung. Các sáng tác của anh luôn gửi đến những thông điệp giản dị, không hề trừu tượng. Anh muốn đóng góp của mình vượt qua khỏi không gian triển lãm của những buổi trưng bày. Kao Khải luôn nghĩ các tác phẩm nếu đặt ở những nơi công cộng như: quảng trường, công viên,… thì những thông điệp ý nghĩa sẽ có hiệu ứng lớn với cộng đồng.
Họa sĩ chia sẻ: “Chất liệu của mình lấy từ những đồ vật thân thuộc hằng ngày, bản thân chất liệu cũng gắn liền với chính câu chuyện mà nó kể. Sự truyền tải của nó trực quan và nội dung cũng rất gần gũi với cuộc sống. Người ta thấy được cái giá trị của nó khi nhìn thấy chứ không mơ hồ. Tôi mãn nguyện khi được kể câu chuyện của mình. Lúc ấy, tôi đã thực sự loại bỏ trong đầu ý nghĩ về những chất liệu truyền thống. Tôi muốn đem lại một cái nhìn khác về hội họa cho công chúng, chứ không chỉ trên giấy, trên các chất liệu quen thuộc”.
Hàng trăm câu chuyện được anh sáng tác với con mắt nghệ thuật và đôi bàn tay khéo léo khi dùng những thứ mà người ta bỏ đi: đồ sứ trên cột điện lâu ngày, gốm sứ bị rạn, dây thừng, thùng trộn bê tông… thậm chí những cái ghế da, túi xách bị vứt ngổn ngang ngoài phố. Anh nói, mọi thứ đều có giá trị nếu mình biết cách tận dụng nó. Bây giờ, người ta đã biết hạn chế túi ni lông, dùng lá chuối gói rau để hạn chế ô nhiễm môi thì tại sao nghệ thuật lại không góp phần thể hiện và truyền tải điều ấy?
“Tôi là thầy giáo làng”
Không nhiều người nghĩ rằng một họa sĩ có cá tính mạnh mẽ, phá cách trong nghệ thuật lại ngày ngày vẫn lên giảng đường dạy những đứa trẻ trường THCS Kim Tân (Kim Sơn, Ninh Bình).
Anh tâm sự, ngoài việc muốn truyền tình yêu hội họa, nghệ thuật cho lứa học sinh mới lớn, anh còn muốn qua cây bút chì, hộp màu, các em có thể học được những kiến thức, kỹ năng sống. Chẳng hạn một bức tranh về đề tài an toàn giao thông ở quê các em không hiểu đèn xanh đèn đỏ thì cứ vẽ không đi hàng 2, hàng 3 là tuân thủ luật lệ giao thông. Vẽ cảnh đẹp đất nước, vẽ biển thì mình lồng ghép tình yêu biển đảo cho học sinh, biết bảo vệ quê hương từ những hành động nhỏ nhất là không vứt rác bừa bãi.
Thầy giáo Khải không vẽ mẫu gò học sinh làm theo mà gợi ý, cùng làm với các em. Được vẽ cùng với thầy khiến học sinh rất hạnh phúc và có cảm giác mình cũng đang sáng tác hội họa.
Từ khi tốt nghiệp Kù Cao Khải đã đi dạy. Mua sơn dầu, mua bút, mua vật liệu từ đồng lương giáo viên nên nghề giáo trong anh vẫn luôn thiêng liêng. Anh từ chối nhiều cơ hội làm việc tốt hơn ở thành phố để gắn bó với những đứa trẻ miền biển quê mình và để bay nhảy trong nghệ thuật trên chính miền biển mặn mòi Kim Sơn nơi anh sinh ra.
Nhiều người bảo Khải “dại” khi bỏ phố về quê, anh lại cảm thấy mình “được” quá nhiều. Bởi anh luôn nghĩ, con người rất dễ bị ì trệ, mòn đi trong sáng tạo nghệ thuật nếu không biết tạo ra và nuôi dưỡng cảm hứng. Mỗi lần tới lớp, được tiếp xúc với lũ trẻ, với những sự sáng tạo ngộ nghĩnh, thậm chí là những ý tưởng điên rồ của chúng là một lần anh thấy mình mới: “bọn trẻ đang dạy tôi đấy chứ!”.
Khải bằng lòng với cuộc sống giản dị nhưng cũng đầy khắc khoải trong nghệ thuật. Ngày ngày, anh vẫn cần mẫn gom góp, nhặt nhạnh những thứ vụn vặt hằng ngày để kể về những câu chuyện quê.
HỒNG PHÚC