Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hòa Bình - Khát vọng phát triển

Việt Hà - 19:10, 24/08/2023

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, nền kinh tế đạt mức trung bình của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực.

Một góc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình
Một góc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội

Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ; là tỉnh đất rộng, người thưa với diện tích tự nhiên gần 4,6 nghìn km2 (đứng thứ 33/63 địa phương trên cả nước), dân số trên 900 nghìn người (đứng thứ 50/63 tỉnh thành) với 07 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3/4 dân số (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, chiếm trên 63%).

Hòa Bình có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú, đa dạng, đất đai màu mỡ; diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng lớn, độ che phủ rừng (51,5%) cao hơn trung bình cả nước; có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng như suối khoáng Kim Bôi, Thung Nai, động thác Bờ, thung lũng Mai Châu, rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc... Đặc biệt, Hòa Bình là nơi xây dựng một trong những "công trình thế kỷ" là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá của đất nước; có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản...; có tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhất là đất sét, đá vôi, than đá...

Bên cạnh đó, Hòa Bình còn có nền văn hóa dân tộc đặc sắc với 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình", tiêu biểu nhất là văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng như: Mo Mường, Sử thi Đẻ đất Đẻ nước...; văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng như cơm lam Hòa Bình, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần Mường, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu, mía tím... Con người Hòa Bình giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ làm giàu cho quê hương, đất nước.

Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, bền vững, văn minh và giàu đẹp.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phục hồi KT-XH sau đại dịch COVID-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã thể hiện quyết tâm cao, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt gần 28.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện trong 6 tháng đầu năm ước đạt gần 10.600 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, tăng 4.160 tỷ đồng, tăng 64,69%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.920 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 74%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng hơn 1,4%. Toàn tỉnh có 200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng; 159 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh; 146 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 89 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 7.641 lao động, đạt 47,7% kế hoạch năm. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội và đời sống dân cư được quan tâm, triển khai tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm..

Xuất khẩu ước đạt 771,47 triệu USD, tăng 11,79% so cùng kỳ năm trước, bằng 45,51% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 56,66%. Văn hóa, xã hội được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm…

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là một trong giải pháp quan trọng để phát triển nhanh, bền vững tỉnh Hòa Bình
Tỉnh Hòa Bình có tiềm năng lớn về đất đai để phát triển lĩnh vực nông nghiệp

Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 9,03% (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%, đứng thứ 24/63 cả nước); GRDP bình quân đầu người tăng 12,01%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân năm 2022 tăng 3,32%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%. Nông nghiệp phát triển khá; nông dân được mùa, được giá; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 51,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,1%; trong đó, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,73%, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm, triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt…

Với tiềm năng và triển vọng của Hòa Bình đang có, tỉnh cũng quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hòa Bình còn có một số cơ chế, chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu, giảm 50% trong chín năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu... Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NÐ-CP của Chính phủ, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm…

Với mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, Hòa Bình luôn mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế tạo, chế biến, thương mại, dịch vụ và du lịch… Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.